Văn hóa kinh doanh của ta còn rất mờ nhạt!
PV: Những năm gần đây, từ định hướng của Nhà nước lẫn định hướng của các doanh nghiệp là phải xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp, tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì “bức tranh” văn hóa kinh doanh của chúng ta còn mờ nhạt, thậm chí có thể nói là rất mơ hồ. TS nghĩ sao, lý giải sao về chuyện này?
TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Hiện nay bức tranh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hiện nay, theo tôi còn rất mờ nhạt, chưa rõ nét, chưa có bản sắc riêng mặc dù đã có định hướng của Nhà nước và các doanh nghiệp. Hiện tượng này, theo tôi có mấy nguyên nhân chính như sau:
Một là, nền văn hóa của chúng ta coi trọng văn minh nông nghiệp, văn hóa làng xã với một cấu trúc khá khép kín, hướng nội và tự cung tự cấp dẫn đến xem nhẹ việc giao thương, buôn bán. Nên một thời gian dài, Việt Nam không có nền sản xuất kinh doanh lớn mang tính dịch vụ và ít thương hiệu sản phẩm.
Hai là, người Việt Nam nhìn chung là nghèo, lối sống đạm bạc, tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” không chịu chi tiêu. Không có cầu ắt sẽ không có cung, không kích thích được nền kinh tế mang tính sản xuất tiêu thụ.
Ba là, người Việt đề cao tính cộng đồng nhưng kỳ thực lại thiếu tính hợp tác và kiên trì, khi thất bại rất dễ dàng bỏ cuộc. Xã hội Việt Nam truyền thống trọng nông khinh thương… Trong một xã hội như vậy không thể tạo ra một nền kinh tế dựa trên văn hóa kinh doanh.
Bốn là, do xuất phát điểm là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, Việt Nam còn tụt hậu về khoa học công nghệ nên khó có một nền sản xuất, kinh doanh mang tính chất hiện đại trong thời đại công nghệ ngày nay.
Năm là, chúng ta vừa thiếu nội lực nền tảng làm đòn bẩy, vừa thiếu các thiết chế hỗ trợ về luật pháp, vốn, cơ hội, định hướng… Nó dẫn đến sự phát triển nóng vội, không bền vững, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà xem nhẹ giá trị, lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, của dân tộc: tạo ra các dịch vụ và sản phẩm kém chất lượng, không tạo ra hay xây dựng được sản phẩm kết tinh văn hóa dân tộc, giá trị quốc gia, mang hàm lượng chất xám cao…
PV: Để xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam, theo TS, chúng ta cần làm gì? Và các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?
TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Văn hóa kinh doanh là một chuỗi hoạt động có liên quan đến hai nhóm người có nhu cầu và lợi ích liên quan mật thiết với nhau. Ở vai trò người tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ chúng ta nên là người tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm, ưu tiên chọn lọc và sử dụng các mặt hàng trong nước nhằm kích thích nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp Việt (Ở các nước có văn hóa kinh doanh phát triển như Nhật, Hàn… họ có một chiến lược để vinh danh hàng nội và khuyến khích người dân tiêu thụ sản xuất trong nước). Tích cực tương tác, phản hồi với các doanh nghiệp để họ nắm bắt được nhu cầu và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ nặng nề hơn có lẽ đặt lên vai các doanh nghiệp, tôi nghĩ họ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, lấy sự hài lòng của người tiêu dùng làm thước đo bảo đảm lợi ích, sự phát triển của doanh nghiệp. Thực tâm quan tâm, chăm sóc và vì khách hàng mà phục vụ.
Hai là, xem cạnh tranh là động lực của sự phát triển. Doanh nghiệp cần đeo đuổi chiến lược cạnh tranh lành mạnh, lâu dài đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết nhằm phát triển bền vững.
Ba là, tôn trọng pháp luật, nếu không sớm hay muộn họ sẽ bị đào thải khỏi xã hội.
Bốn là, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tức là có trách nhiệm với các hoạt động sản xuất kinh doanh: Bảo vệ môi trường sống, chia sẻ lợi nhuận, thực hiện hoạt động cộng đồng, xây dựng thương hiệu tốt vì nền văn hóa và thương hiệu Việt Nam.
Văn hoá kinh doanh chìa khoá mở ra sự thành công và phát triển
PV: Theo TS, văn hóa kinh doanh sẽ đóng góp gì vào việc kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta?
TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Trong kinh tế, kinh doanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng nhất là trong thời đại ngày nay. Văn hóa kinh doanh chính vì thế có những đóng góp to lớn mạnh mẽ trong chính công việc kinh doanh và sự phát triển, sự sống còn của doanh nghiệp. Văn hoá kinh doanh có thể xem là chìa khoá mở ra sự thành công và phát triển của cả nền kinh tế đất nước.
Các nước có nền kinh tế hùng mạnh như Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ… đều được đanh giá có nền văn hóa kinh doanh rất chuyên nghiệp và hiệu quả khi lợi nhuận cao nhất luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu song hành với coi trọng việc tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp.
Văn hóa kinh doanh sẽ góp phần mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế và cả lợi ích vô hình khác cho doanh nghiệp, nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế góp phần làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh.
PV: Trong việc định hướng xây dựng văn hóa kinh doanh, chúng ta cần phát huy nền văn hóa dân tộc vào việc này ra sao?
TS Nguyễn Thị Thu Thủy: Xây dựng văn hoá kinh doanh hiện nay không phải đơn giản là sự kết hợp giữa kinh doanh và văn hoá mà nó là sự hòa quyện, sự thâm nhập của văn hóa vào hoạt động kinh doanh ở một tầm cao hơn, trừu tượng hơn, nhân bản hơn. Bất kỳ một hoạt động văn hóa nào cũng đều vì con người và do con người, trong đó vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Đi từ quan niệm đó, những gì thuộc về di sản của nền văn hóa dân tộc nhưng lại cản trở sự xây dựng phát triển văn hóa kinh doanh cần phải kiên quyết loại bỏ như việc thiếu chữ tín, quan niệm “ăn xổi ở thì”, gian lận, nóng vội… Ngược lại, những giá trị tiến bộ cần phải được gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong công việc kinh doanh: tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, tính linh hoạt…
Ngoài ra, trải từ Bắc chí Nam trên đất nước ta có nhiều sản phẩm là kết quả của sự kết tinh chắt lọc của phong thủy thổ nhưỡng cùng với sự tinh túy, thăng hoa của cảm xúc và trí tuệ của người Việt nhất thiết phải đầu tư, phát triển và quảng bá chúng ra thị trường quốc tế. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt làm được, chúng ta cần cổ vũ, giúp sức, hỗ trợ để họ vươn lên, phát triển bền vững.
Nhân dịp năm mới, xin chúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh để tạo ra một nền văn hóa kinh doanh văn minh và hiệu quả, để lan tỏa giá trị Việt ra thế giới.
PV:Xin cảm ơn Tiến sĩ đã dành cho Nhà Quản Lý cuộc trò chuyện này.