Tưởng chừng sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tại hội nghị G20 diễn ra hồi cuối tháng 6.2019 đã giúp cho tình hình mâu thuẫn xoa dịu thì đến rạng sáng ngày 2.8, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố trên trang Twitter cá nhân sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 1.9.2019.
Cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập tức đưa ra thông điệp phản bác, “việc Mỹ đưa ra quyết định đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc là một hành động vi phạm nghiêm trọng sự đồng thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được tại Osaka. Nếu Mỹ thực sự áp đặt mức thuế quan mới, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì lợi ích của người dân Trung Quốc. Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả các hậu quả liên quan đến quyết định này”.
Các chuyên gia không bất ngờ về hành động áp thuế làm căng thẳng cuộc thương chiến của Mỹ. Tính tới tháng 6.2019, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm 14%, kỉ lục kể từ năm 2009, theo số liệu mới cập nhật từ Cơ quan Thống kê Mỹ.
Theo số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng giảm gần 30% trong sáu tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm trước. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam lại tăng tới 14%, cao nhất trong các đối tác lớn của Trung Quốc.
Không thể phủ nhận chiến tranh thương mại là nguyên nhân khiến chuỗi sản xuất toàn cầu dịch chuyển toàn cầu. Do vị trí địa lý nằm ngay dưới Trung Quốc, Việt Nam không chỉ là sự lựa chọn của các công ty sản xuất lớn mà còn là quốc gia dễ khoanh vùng của các hàng hóa lẩn tránh thuế đến từ Trung Quốc.
Michael Englund, chuyên gia kinh tế trưởng của Action Economics in Boulder, Colorado, nhận định, thuế quan tác động đến thương mại song phương. Mục tiêu của chính sách là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc nhưng thực tế là hàng hóa cũng đến từ các quốc gia khác và kết quả là Mỹ vẫn không thấy sự thay đổi chung trong cán cân thương mại, theo South China Morning Post.
Không chỉ xuất hiện trên các mặt báo nước ngoài về một quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam lại bị chú ý khi phía Mỹ tăng cường rà soát các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc có khả năng tìm bến đỗ an toàn như Việt Nam để tránh thuế. Điều này cũng nằm trong tuyên bố của tổng thống Donald Trump trong thời gian vừa qua.
Đầu tháng 7.2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết sẽ áp thuế lớn tới 456% với các mặt hàng thép sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan sau đó được chuyển đến Việt Nam chế biến và xuất khẩu sang Mỹ.
Ngoài thép, gỗ là mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ Việt, trong nửa năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu hơn ba tỉ USD gỗ và các sản phẩm từ gỗ. 6 tháng đầu năm năm 2019, kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đạt gần 364 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm chiếm tới gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn ngành. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ từ Trung Quốc tăng tới 35%.
Theo Hiệp hội Gỗ Việt Nam, rủi ro có thể tiếp tục diễn ra với ngành gỗ Việt Nam khi các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ được hình thành từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua sơ chế để lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam vào Mỹ.
Dâng Phạm