Trí tuệ cảm xúc – “chìa khóa” dẫn đến thành công
Theo các nghiên cứu từ nhiều thập kỷ qua, trí tuệ cảm xúc (EQ) - khả năng thấu hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân lẫn người khác - là một trong những dự báo mạnh mẽ nhất cho sự thành công trong công việc. Tuy nhiên, không giống như kỹ năng kỹ thuật hay kinh nghiệm, EQ là một tập hợp các phẩm chất vô hình như sự đồng cảm, khả năng tự nhận thức, và rất khó để thể hiện rõ ràng trên CV.
Để kiểm tra EQ của ứng viên, Brothers đặt ra những câu hỏi khó và đậm chất nội tâm. Một câu hỏi mà cô yêu thích, thường khiến ứng viên bối rối, là:
"Ở nơi làm việc trước đây, điều gì thực sự đã kìm hãm bạn?"
Mục đích sâu xa của câu hỏi
Kara Brothers chia sẻ rằng câu hỏi này giúp cô đánh giá khả năng thích nghi và sự sẵn sàng học hỏi của ứng viên. “Ai cũng có cái tôi, nhưng liệu cái tôi của bạn có ngăn cản bạn làm việc hiệu quả không?” cô đặt vấn đề.
Mục tiêu của cô là khám phá mức độ tự nhận thức của ứng viên - liệu họ có biết khi nào mình đạt phong độ tốt nhất hay nhận ra những điểm hạn chế trong môi trường làm việc hay không.
Những ứng viên muốn “trình bày hoàn hảo” mà bỏ qua nhược điểm của mình thường dễ bị câu hỏi này làm khó. Theo Brothers, câu trả lời ấn tượng nhất là khi ứng viên cân bằng giữa sự trung thực và trách nhiệm cá nhân.
Theo Brothers, sự tự nhận thức sâu sắc như vậy là yếu tố cốt lõi để giải quyết các thách thức tại nơi làm việc và hòa hợp với nhiều kiểu tính cách khác nhau.
Cách rèn luyện sự tự nhận thức
Bạn không cần chờ đến buổi phỏng vấn tiếp theo để xây dựng nhận thức về bản thân. Juliette Han, một nhà khoa học thần kinh đào tạo tại Harvard, đã chia sẻ bài tập đơn giản giúp rèn luyện kỹ năng này:
1. Suy ngẫm về sở thích và kỹ năng: Tự hỏi bản thân, “Mình giỏi nhất điều gì? Mình thích làm gì nhất?” để xác định điểm mạnh và trách nhiệm phù hợp.
2. Tìm kiếm phản hồi: Hỏi ý kiến từ quản lý và đồng nghiệp để hiểu cách người khác nhìn nhận bạn.
3. Hành động dựa trên thông tin: Dựa vào những phản hồi và tự nhận thức, hãy quyết định kỹ năng nào cần trau dồi hoặc áp dụng nhiều hơn vào công việc.
Thành công bắt nguồn từ nhận thức
Xây dựng nhận thức về bản thân đòi hỏi thời gian, nhưng phần thưởng mang lại là vô cùng lớn. Han khẳng định: “Bạn có thể sở hữu kỹ năng xuất sắc và sự tự tin, nhưng nếu thiếu khả năng tự nhận thức, bạn khó có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt và tiến xa trong sự nghiệp.”
Như vậy, việc rèn luyện EQ không chỉ giúp bạn nổi bật trong các buổi phỏng vấn mà còn trở thành vũ khí sắc bén để thành công lâu dài tại nơi làm việc.