Tạo nền tảng pháp lý để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bình Minh

26/12/2024 18:30

Việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tại phiên họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập vừa qua.

1q-1735212514.jpeg
Họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập về Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, trong bối cảnh hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, khẳng định đây là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Luật cần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và hướng tới thông lệ quốc tế. Đồng thời, dự án Luật được xây dựng trên tinh thần: Tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tăng cường năng lực tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và nghiên cứu; Nâng cao tính minh bạch, đạo đức, và liêm chính trong hoạt động khoa học, công nghệ.

Dự thảo cũng kế thừa những quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn phù hợp với thực tiễn và chính sách hiện hành.

1-1735212456.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, dự án Luật sẽ bổ sung một số nội dung mới như: Quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, cùng cơ chế tự chủ cho các tổ chức này; Cho phép cá nhân trong tổ chức công lập tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Đơn giản hóa quy trình phê duyệt nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian xét duyệt; Bổ sung quy định về cụm nhiệm vụ KH&CN, chính sách thuế ưu đãi, và các khu nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo tập trung; Quy định rõ chi phí và hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh đề xuất bổ sung điều khoản khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật. Ông cũng nhấn mạnh cần tập trung đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chẳng hạn như các Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn đề xuất cơ chế chính sách riêng cho các tổ chức nghiên cứu đặc biệt nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong thời gian tới.

Đại diện Viettel cho rằng dự thảo Luật sẽ giúp đơn giản hóa quy trình xét duyệt, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng. Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về chuyển đổi số để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này.

Dự kiến, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Bình Minh