Thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam phát triển minh bạch và hiệu quả

Hà Linh

30/12/2024 20:15

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo toàn cầu tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xây dựng, phát triển thị trường carbon - tạo động lực cho phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam”.

Hội thảo nhằm giới thiệu các khái niệm cơ bản về thị trường carbon, cơ chế giao dịch phát thải và tín chỉ carbon; làm rõ tầm quan trọng của thị trường carbon trong việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất giải pháp về kỹ thuật, tài chính, và quản lý để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam phát triển minh bạch và hiệu quả.

thi-truong-carbon-pld-1735571685.jpg
Hội thảo khoa học “Xây dựng, phát triển thị trường carbon - tạo động lực cho phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam”.

Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp và tổ chức có thể tối ưu hóa chi phí giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Trên thế giới, thị trường carbon đã phát triển mạnh mẽ với hai hình thức chính: thị trường giao dịch phát thải (ETS) và thị trường tin chỉ carbon tự nguyện.

Ở Việt Nam, xây dựng thị trường carbon là một trong những cam kết quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris và các mục tiêu tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nền tảng pháp lý cho thị trường carbon đã được hình thành thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó quy định về lộ trình xây dựng và vận hành thị trường carbon. Đặc biệt, từ năm 2025, Việt Nam dự kiến triển khai thí điểm thị trường carbon nội địa, bao gồm các hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.

Hiện nay, các thí điểm như Chương trình giảm phát thải thông qua nỗ lực chống mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện đã bước đầu tạo nền móng cho việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý và nhận thức của các bên liên quan vẫn cần được giải quyết để đảm bảo thị trường carbon hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

pgsts-nguyen-dinh-tho-pld-1735571684.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hình thành một cách căn bản và đi vào vận động hiệu quả, cần tập trung nâng cao nhận thức cho các chủ thể về thị trường này. Đặc biệt cần hoàn thiện các quy chuẩn, quy phạm mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế tính điểm, giao dịch, bảo đảm phù hợp cũng như liên thông được với các quy định, quy chuẩn quốc tế.

Một điểm yếu của thị trường carbon tại Việt Nam cần tập trung khắc phục là sự thiếu vắng một sàn giao dịch chính thống khiến cho các chủ dự án gặp khó khăn trong việc liên thông cũng như tiếp cận người mua tiềm năng, kéo theo tính thanh khoản của thị trường bị hạn chế. Việc chia sẻ lợi ích từ các dự án carbon chưa thực sự hiệu quả và công bằng dẫn đến giảm động lực cho cộng đồng cũng như tính bền vững của các dự án và bảo đảm nguồn cung tín chỉ ổn định và lâu dài.

Những hạn chế này cần được sớm khắc phục để những lợi ích của thị trường carbon phục vụ đắc lực cho triển khai mô hình kinh tế xanh, đồng thời phát huy tính hiệu quả kinh tế, lợi ích về tài chính của giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Với những bước đi cụ thể và sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực ASEAN trong việc phát triển thị trường carbon, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hà Linh