Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình: Nguồn chi trả từ tín chỉ các-bon đã giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm mất rừng

Đinh Loan thực hiện

13/05/2024 11:27

Theo Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình dự kiến được phân bổ số tiền 12,171 triệu USD (khoảng hơn 280 tỷ đồng) để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA (thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ).

Chúng tôi đã có cuộc đối thoại cùng ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình xung quanh việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và công tác bảo vệ, phát triển bền vững các diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh.

Phóng viên: Được biết, Quảng Bình là một trong những địa phương được hưởng nguồn chi trả từ tín chỉ các-bon của nguồn Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) được Ngân hàng Thế giới ủy thác. Vậy nguồn chi trả được phân bố như thế nào thưa ông?  

Ông Trần Quốc Tuấn: Căn cứ Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 Chính phủ và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Lâm nghiệp, Sở NN - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch tài chính tổng thể (đợt 1) nguồn thu tạm ứng từ Thỏa thuận chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình; Phê duyệt đối tượng hưởng lợi và kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu tạm ứng từ Thỏa thuận chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình.

Theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, số tiền chi trả cho chủ rừng được xác định trên cơ sở diện tích rừng tự nhiên của chủ rừng được giao quản lý; Hằng năm, căn cứ vào số tiền được điều phối từ Trung ương và diện tích rừng tự nhiên theo kết quả diễn biến rừng của năm trước liền kề năm nhận tiền để xác định số tiền chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.   

z5433507420506-71ff8dc43c61940bbb56af4085cb9ee7-1715557314.jpg
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ tổng cộng hơn 82,476 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, cụ thể: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại chưa chi trả sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định.

Qua quá trình triển khai thực hiện chi trả cho thấy, nguồn thu từ ERPA đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện ERPA đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Phóng viên: Trong quá trình triển khai chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình, có vướng mắc, khó khăn nào không, thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trong thời gian qua, việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được tổ chức triển khai theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể như:

- Tại điểm c khoản 2 Điều 3, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định: Chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.    

- Tại khoản 2 Điều 5, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. 

Đối với các khó khăn, tồn tại nêu trên, Sở NN - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN - PTNT, đồng thời, đã chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổng hợp, báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Đoàn công tác đánh giá giữa kỳ ERPA của Ngân hàng Thế giới nhằm có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh hoặc làm cơ sở ban hành chính sách mới phù hợp với thực tế khi kết thúc giai đoạn thí điểm.    

z5433516525792-81d87345db98357c68d390cd77f73874-1715574161.jpg
Công tác bảo vệ và phủ xanh rừng rất được tỉnh Quảng Bình quan tâm.

Phóng viên: Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình cần triển khai những nội dung, hoạt động nào tiếp theo thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn: Về trình tự các bước thực hiện: Theo Kế hoạch tài chính tổng thể (đợt 1) nguồn thu tạm ứng từ Thỏa thuận chi trả nguồn giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình (Quyết định số 3895/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBDN tỉnh), tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chi trả hơn 100 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA trong năm 2024. Đồng thời, kinh phí chưa sử dụng trong năm 2023 sẽ được chuyển tiếp sang năm 2024 để thực hiện.

Theo đó, cần tập trung xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đối tượng hưởng lợi và kế hoạch tài chính năm 2024 làm cơ sở triển khai thực hiện. Sau khi kế hoạch tài chính năm 2024 được UBND tỉnh phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh sẽ thông báo số tiền chi trả cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. Trên cơ sở đó, các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã được giao quản lý rừng cần tập trung triển khai việc lập kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cần tập trung, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về chính sách chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ; tăng cường tổ chức tập huấn cho các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, cộng đồng dân cư để giúp các đối tượng hưởng lợi nắm rõ các quy định, giải đáp, hướng dẫn các nội dung liên quan đến xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện chính sách hiệu quả, đúng quy định.  

Phóng viên: Là tỉnh có thế mạnh về diện tích rừng và trữ lượng các-bon, tỷ lệ che phủ rừng (68,7%) nhiều năm liên tiếp đứng thứ hai toàn quốc, để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon rừng, các nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới là gì thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn: “Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh” là một trong năm loại hình dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Đây là loại hình dịch vụ môi trường rừng mới, tiềm năng và là nguồn thu bền vững, đặc biệt là cho người dân, cộng đồng dân cư miền núi và các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã được nhà nước giao quản lý rừng. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về diện tích rừng và trữ lượng các-bon, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ như:

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện chi trả các năm tiếp theo cho các đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch tài chính hằng năm; đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện ERPA theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.     

- Tiếp tục tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững, chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có theo hướng nâng cao chất lượng rừng; chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch của các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng.

- Tổ chức điều tra, theo dõi diễn biến rừng, điều tra sinh khối và trữ lượng các bon rừng nhằm phục vụ công tác quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu để khai thác tiềm năng tín chi các-bon rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Ngoài diện tích rừng tự nhiên, cần hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo các tiêu chuẩn về tạo tín chỉ các-bon, trong đó đảm bảo tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm; các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ; các hoạt động trồng và phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

“Tín chỉ carbon (các-bon) rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Tín chỉ các-bon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó, ví dụ  như công ty, phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ các-bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Tín chỉ các-bon về bản chất là giấy phép do chính phủ hoặc cơ quan quản lí khác cấp, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocacbon xác định trong một khoảng thời gian được qui định. Mỗi tín chỉ các-bon có giá trị tương đương với một tấn nhiên liệu hydrocacbon. Các công ty hoặc quốc gia được phân bổ một lượng tín chỉ nhất định và có thể giao dịch chúng để giúp cân bằng tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc lưu ý, "Vì CO2 là khí nhà kính chính" nên "mọi người gọi đơn giản là kinh doanh các-bon."

Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã phát triển một đề xuất tín dụng các-bon thành một cơ chế định hướng thị trường để làm giảm lượng khí thải các-bon trên toàn thế giới. 

Đinh Loan thực hiện