Sôi động cuộc chơi giao hàng

dang.pham

Ứng dụng gọi xe Be vừa ra tuyên bố gia nhập thị trường giao nhận với mục tiêu 30% thị phần vào năm 2020.

Thị trường giao nhận đang có xu hướng trở thành dịch vụ hấp dẫn các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Chưa đầy một năm, các công ty liên tiếp công bố tham gia vào thị trường giao nhận với những cái tên lớn như Viettel Post, hay nhà bán lẻ FPT Retail và gần đây là Baemin, một ứng dụng giao thức ăn đến từ Hàn Quốc.

Đối tác giao hàng xe máy của Be - Ảnh: Be Việt Nam
Đối tác giao hàng xe máy của Be - Ảnh: Be Việt Nam
Mới đây, Be, ứng dụng gọi xe ra mắt hồi cuối năm 2018, dưới sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng VPBank, đang dần bổ sung các dịch vụ để mở rộng hệ sinh thái công nghệ.

Cụ thể, Be cho ra mắt hai dịch vụ gồm giao nhận chuyển phát bưu chính. Công ty cho biết đang hợp tác với các sàn thương mại điện tử gồm Lazada và Adayroi, cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị khác như Vietnam Post, Giao Hàng Nhanh, Ninja Van hay thậm chí cả LEL của Lazada . Bên cạnh đó là dịch vụ giao hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, các đơn vị kinh doanh trực tuyến, cạnh tranh trực tiếp với các công ty giao nhận thức ăn đang có mặt trên thị trường như Now, GoFood hay GrabFood.

Ngành công nghệ giao nhận thông qua công nghệ đang thu hút sự chú ý của không chỉ các công ty logistics mà còn các ông lớn trong ngành bán lẻ hay ngân hàng của Việt Nam.

Động lực từ tăng trưởng của nền kinh tế số

Thương mại điện tử và hệ sinh thái kinh tế số phát triển là động lực để các công ty như Be ra mắt thị trường các dịch vụ giao nhận. Quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 ước tính đạt 2,8 tỉ USD, tăng gấp bốn lần so với năm 2015, theo báo cáo của Google và Temasek 2018.

Google và Temasek nhận định, đến năm 2025, thị trường gọi xe (Ride Hailing) trong đó bao gồm cả giao hàng (Online Transport) và giao thức ăn (Food Delivery) là ngành có tốc độ phát triển nhanh, tính chung tại khu vực Đông Nam Á, sẽ đạt quy mô gần 30 tỉ USD, tăng gần bốn lần so với năm 2018.

Riêng tại Việt Nam, Google dự tính quy mô của Online Transport & Food Delivery sẽ đạt 2 tỉ USD năm 2025, tăng gấp bốn lần so với năm 2018. Việt Nam cũng nằm trong top 3 quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Công thức thành siêu ứng dụng

Phát triển cung cấp các dịch vụ khác nhau là công thức chung của các siêu ứng dụng để mở rộng hệ sinh thái công nghệ sang các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Thành lập từ năm 2010 từ Indonesia, đến nay, “kì lân” Gojek đã mở rộng sang các lĩnh vực chăm sóc cá nhân - “Daily need” như dọn dẹp nhà cửa, massage bên cạnh logistics, thanh toán, giải trí.

Các ứng dụng gọi xe có xu hướng đẩy mạnh mở rộng các dịch vụ mà trong đó gọi xe là trụ cột chính. Ngay từ ngày đầu ra mắt Be, ngân hàng VPBank cũng đã cho biết tham vọng nghiên cứu và phát triển các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ các đối tác tài xế tham gia cùng Be, như bảo hiểm số.

Ứng dụng gọi xe GoViet đại diện của GoJek ở Việt Nam đang có ba dịch vụ gọi xe (Gobike) giao hàng và giao thức ăn - Ảnh: Bảo Zoãn
Có hẳn một hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ nhưng tại Việt Nam, ứng dụng gọi xe GoViet đại diện của GoJek chỉ mới có có ba dịch vụ gọi xe (Gobike) giao hàng và giao thức ăn - Ảnh: Bảo Zoãn
Xuất phát từ dịch vụ gọi xe, siêu ứng dụng tại Đông Nam Á - Grab cũng thể hiện tham vọng dần biến mình thành một ngân hàng số. Siêu ứng dụng này đang rục rịch xin giấy phép mở ngân hàng số tại Singapore, theo nguồn tin từ Reuters.

Hơn thế nữa, với đặc thù cơ sở hạ tầng và giao thông tại các quốc gia như Việt Nam, các hình thức giao nhận bằng xe máy chiếm lợi thế khi có thể đi tới mọi ngóc ngách. Đặc điểm của các ứng dụng giao nhận như Grab hay Be khai thác miền thị trường khu vực trong thành phố, nơi những chiếc xe tải không thể tiếp cận và đồng thời cũng là dịch vụ không phải thuê thêm kho bãi.



dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Sôi động cuộc chơi giao hàng" tại chuyên mục Khoa học quản lý.