Phân biệt lỗi đi sai làn đường và sai vạch kẻ đường

thunguyen

14/06/2020 08:29

Nhiều tài xế thấy bối rối khi không phân được lỗi đi sai làn đường và lỗi đi sai vạch kẻ đường.

Lỗi đi sai làn đường và sai vạch kẻ đường khiến người tham gia giao thông cảm thấy lúng túng.
Lỗi đi sai làn đường và sai vạch kẻ đường khiến người tham gia giao thông cảm thấy lúng túng.

Phân biệt lỗi đi sai làn đường và sai vạch kẻ đường

Lỗi đi sai làn đường và lỗi không tuân thủ đúng vạch kẻ đường thường rất bị nhầm lẫn với nhau. Do vậy, việc nhận biết 2 lỗi này giúp tài xế tham gia giao thông an toàn và tránh bị phạt oan.

Lỗi đi sai làn đường

Tại khoản 3.22 Điều 3 Quy chuẩn 41:2019 sửa đổi quy chuẩn 41:2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới, quy định: :"Làn đường là một phần của phần đường xe chạy, được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Phần đường xe chạy chính là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường"

Như vậy, lỗi đi sai làn đường được hiểu là điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường dành cho phương tiện đó trên đoạn đường được chia thành nhiều làn và phân biệt bằng vạch kẻ đường, mỗi làn chỉ dành cho một hoặc một số loại phương tiện nhất định.

Lỗi đi sai làn là lỗi đi sai làn đường tại nơi có biển báo “Làn đường dành riêng cho từng loại xe” - biển R.412 (a, b, c, d, e, f, g, h) và “Biển gộp làn đường theo phương tiện” - biển R.415.

Biển báo phân định rõ các làn đường dành cho phương tiện.
Biển báo phân định rõ các làn đường dành cho phương tiện.

Theo tin tức pháp luật, Nghị định 100/2019 quy định cụ thể mức phạt đối với lỗi xe đi sai làn đường theo từng loại phương tiện:

- Đối với ô tô, Điểm đ Khoản 5 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tước GPLX từ 1-3 tháng.

- Đối với xe máy, điểm g Khoản 3 Điều 6 quy định: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều).

Như vậy, đối với trường hợp xe ô tô đè vạch hay còn gọi là lấn làn (hai nửa xe ở hai bên đường khác nhau, thân xe đè qua vạch vàng) có thể bị xử lý với trường hợp đi không đùng phần đường của mình (đi sai làn).

Lỗi đi sai vạch kẻ đường

Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ vạch kẻ đường là gì? "Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo, đèn tín hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng lưu thông xe". Có nhiều cách để phân định vạch kẻ đường như: dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng); dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc).

Lỗi đi sai vạch kẻ đường phạt nhẹ hơn lỗi đi sai làn đường.
Lỗi đi sai vạch kẻ đường phạt nhẹ hơn lỗi đi sai làn đường.

Trong đó, lỗi đi sai vạch kẻ đường là lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Lỗi này thường ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường. 

Có thể bạn quan tâm: 

Ví dụ: Theo biển báo và vạch kẻ đường, xe rẽ phải tại làn đi thẳng thì đây chính là lỗi không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Hiện nay, mức phạt cho lỗi không tuân thủ chỉ dẫn vạch kẻ đường đã tăng gấp đôi. Cụ thể, phạt lỗi này đối với người điều khiển ô tô từ 200.000 - 400.000 đồng, với người điều khiển xe máy là từ 100.000 - 200.000 đồng.

Người tham gia giao thông cần biết, nếu vạch kẻ phân cách các làn theo hướng đi là vạch liền, các phương tiện phải chuyển làn để di chuyển theo hướng định đi trước khi vào khu vực đó và không được đè vạch. Nếu vạch kẻ là vạch nét đứt, các phương tiện được chuyển sang các làn theo hướng di chuyển khác nhưng phải chuyển xong trước khi tới vạch dừng xe. Thứ tự ưu tiên chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ là đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

(Nguồn ảnh: Internet)

thunguyen