- Năm 2021 sắp khép lại với nhiều biến động, ảnh hưởng từ dịch bệnh, Nokia đã nhìn nhận giai đoạn đó như thế nào và có được những bài học gì để chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới?
Trong 2 năm vừa qua, COVID-19 diễn ra quy mô toàn cầu. Nokia nhìn nhận COVID-19 vừa rồi như một cơ hội vì sau thời gian tương đối dài, mọi người ở nhà, phải làm việc từ xa. Các học sinh cũng phải học từ xa qua các ứng dụng. Như vậy, yêu cầu về dịch vụ và lưu lượng liên quan đến băng thông rộng, bao gồm cả dịch vụ băng thông rộng di động và cố định tăng lên đáng kể. Và đó là cơ hội cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà cung cấp hạ tầng mạng như Nokia.
Bên cạnh những cơ hội đấy thì cũng có những khó khăn. Như mọi người cũng biết, đầu năm 2020 do đại dịch nên doanh nghiệp phải đóng cửa, nhân viên làm việc từ xa, mọi người cũng phải hạn chế ra đường. Thêm vào đó, hàng hoá di chuyển giữa các nước và các vùng cũng rất khó khăn, tồn đọng tại các kho bãi. Thì đó cũng là khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới.
Tuy vậy, dịch bệnh bây giờ không còn mới nữa. Các doanh nghiệp nói chung đang thích nghi với trạng thái bình thường mới. Tại Việt Nam, người dân đã, đang được tiêm vắc xin và học sinh đã dần được đến trường. Chính phủ cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để làm sao thích nghi được với tình hình mới trong dịch bệnh. Nokia cũng như các doanh nghiệp khác sẽ tiếp tục làm việc với các nhà mạng ở Việt Nam để có thể thích nghi với trạng thái bình thường mới này. Dịch bệnh thì chắc chắn sẽ vẫn diễn ra và chưa có chiều hướng suy giảm, đặc biệt ở Việt Nam và một số khu vực. Điều tất yếu là doanh nghiệp càng phải thích nghi hoạt động trong trạng thái bình thường mới này.
- Được biết Nokia hiện đang hợp tác với nhiều nhà mạng trong nước để triển khai 5G, vậy trong thời gian tới sự phối hợp này sẽ diễn ra như thế nào để 5G có thể phổ biến hơn?
Nokia chúng tôi đã ở Việt Nam tương đối lâu, khoảng 30 năm rồi. Từ đầu những năm 1990, chúng tôi đã xây dựng từ thế hệ ban đầu cho nhà mạng lớn và một số nhà mạng nhỏ khác.
Với những ưu tiên của Nokia trên toàn cầu cũng như Nokia ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang làm việc rất chặt chẽ với các nhà mạng và chính phủ để giúp họ hiểu hơn các tình hình triển khai trên thế giới, từ đó áp dụng vào môi trường Việt Nam. Với 5G, chúng tôi thậm chí đã làm việc với các nhà mạng từ rất sớm vào năm 2018 để giúp họ đánh giá hoặc có những nghiên cứu chuẩn bị những yêu cầu cần thiết để triển khai. Ví dụ chúng tôi đã thử nghiệm từ năm 2019 ở quy mô kỹ thuật về 5G với cả 3 nhà mạng ở Việt Nam. Cuối năm 2020, các nhà mạng cũng lần lượt công bố thử nghiệm thương mại giới hạn thì chúng tôi đã cung cấp các giải pháp 5G cho 3 nhà mạng lớn.
Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trên các hành trình đó cùng với các nhà mạng để triển khai 5G và cũng như phát triển, tăng dịch vụ trải nghiệm đối với các dịch vụ hiện tại trên nền tảng hạ tầng 4G hiện có, chia sẻ các xu hướng về công nghệ trong mạng thế hệ tiếp theo. Các xu hướng tự động hoá và giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo, máy học/học sâu, chúng tôi sẽ cố gắng để chia sẻ với các nhà mạng và các tổ chức trong chính phủ của mình nhiều nhất, dựa trên kinh nghiệm trên toàn cầu cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các nhà mạng Việt Nam trong một thời gian rất dài vừa qua.
- Từ những gì ông chia sẻ, có thể thấy Nokia đặt kỳ vọng rất nhiều vào thị trường Việt Nam trong chiến lược 5G của mình. Vậy có những yếu tố nào khiến cho Nokia đặc biệt ưu ái thị trường này đến vậy?
5G trên thực đã phát triển tương đối lâu rồi. Những nước 5G trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản triển khai 5G từ năm 2019. Tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, các thế hệ mạng trước mất thời gian khá lâu để triển khai. Ví dụ như thế hệ mạng 4G ra đời vào khoảng năm 2010 nhưng Việt Nam cũng khoảng từ 5 đến 6 năm sau mới bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, với thế hệ 5G được ra đời và triển khai phổ biến thương mại vào năm 2020, Việt Nam đã triển khai gần như là đồng thời cùng một lúc với xu hướng chung của thế giới.
Như mình vừa chia sẻ Nokia làm việc với các nhà mạng từ năm 2018 - ngay khi bắt đầu hình thành các chuẩn hoá mạng 5G đầu tiên. Thêm vào đó, hạ tầng mạng 5G cũng được chính phủ chia sẻ trên các phương tiện truyền thông với thông điệp: “là một hạ tầng thiết yếu giúp cho việc phát triển xã hội số và kinh tế số.”
Vậy nên, không phải là Nokia ưu ái Việt Nam mà đó là thực tiễn, yêu cầu từ một nền kinh tế khi mà hành vi người tiêu dùng như dùng nhiều hơn các thiết bị di động, hoặc là các thiết bị máy tính có kết nối để thực hiện các sinh hoạt và hoạt động hàng ngày như mua bán từ xa, mua bán qua các trang thương mại điện tử, hoặc thực hiện các giao dịch hành chính công.
Có rất nhiều đối tượng, hoạt động và dịch vụ được số hoá, sử dụng các mạng kết nối không giới hạn với tốc độ rất cao và độ trễ thấp. Đối với các ngành công nghiệp thì hạ tầng mạng sẽ là hạ tầng thiết yếu mà các tổ chức hoặc là các người tiêu dùng sử dụng nó để hướng đến nền kinh tế số và hội số. Và đó là một trong những điều chúng tôi nhìn nhận 5G sẽ là hạ tầng phục vụ sự phát triển và đạt được mục tiêu trong 5 năm, 10 năm tới đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP theo như chiến lược chuyển đổi số của chính phủ.
Với các dịch vụ mới, từ lúc có yêu cầu thị trường đến lúc cung cấp được dịch vụ cần thời gian phải rất nhanh để chiếm lĩnh được thị trường sớm nhất có thể. Đó là một trong những lợi ích mà hạ tầng 5G sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, cho các nền kinh tế như Việt Nam.
- Được biết Nokia thời gian gần đây tập trung rất nhiều vào thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, vậy Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong kế hoạch tổng thể chung của Nokia tại khu vực?
Theo các báo cáo từ GSMA, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ đứng đầu trên thế giới về phát triển 5G. Các nước tiên phong đã phát triển 5G ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, những nước đang phát triển rất nhanh. Như vậy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng rằng đến năm 2025 sẽ có khoảng 400 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào hạ tầng này. Và 80% trong số đó sẽ được dùng để triển khai 5G. Với quy mô đấy thì tốc độ đang diễn ra rất nhanh. Và đặc điểm của từng thị trường như Việt Nam, Thái Lan, hay Singapore trong khu vực Thái Bình Dương cũng là duy nhất, không có lẫn lộn với những thị trường khác.
Đối với Việt Nam chúng ta hạ tầng mạng 5G, như tôi vừa chia sẻ, đó là một trong những hạ tầng cơ bản, là công cụ để cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng để cải thiện năng suất hoạt động của doanh nghiệp như giúp triển khai nhanh các dây chuyền sản xuất với ưu thế về tốc độ cao và độ trễ siêu thấp. Đối với những nhà cung cấp dịch vụ lớn tại Việt Nam thì hạ tầng mạng 5G cũng giúp họ tăng trưởng doanh thu khi cung cấp được các dịch vụ mới cho doanh nghiệp. Ví dụ, ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều cầu cảng, có thể áp dụng giải pháp cảng thông minh, quản lí bốc xếp hàng hoá, ra vào vùng bến, kho bãi. Chúng ta cũng có rất nhiều khu công nghiệp, những doanh nghiệp sản xuất lớn chuyển dịch từ những nước khác như Trung Quốc sang Việt Nam, rất nhiều nhà máy của họ có thể áp dụng hạ tầng 5G trong sản xuất. Các cảng hàng không của chúng ta cũng có hàng trăm triệu lượt khách sử dụng hàng năm thì 5G có thể cung cấp dịch vụ băng rộng cho hành khách đi máy bay hoặc là hạ tầng cho quản lý các hoạt động trong sân bay, hoặc 5G có thể sử dụng trong thành phố thông minh và các dịch vụ khác nữa.
Việt Nam chúng ta đang là một trong những “con rồng Châu Á”. Chúng ta đang cố gắng thu hút nhà đầu tư, cố gắng hoàn thiện với những chính sách hỗ trợ. Như vậy, nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng và cũng là rất quan trọng không chỉ đối với Nokia, mà còn đối với hoạt động ở trên quy mô toàn cầu. Nên Việt Nam là một trong những ưu tiên của chúng tôi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là về hỗ trợ các nhà mạng cũng như là đồng hành với chính phủ chuẩn bị xây dựng hạ tầng, không chỉ cho 5G mà còn các hạ tầng tiếp theo, hỗ trợ cho sự phát triển chung và các mục tiêu chuyển đổi số do chính phủ đề ra.
- Hiện tại 5G vẫn chính thức được cấp phép tại Việt Nam dù đã nhiều lần thử nghiệm, việc này có ảnh hưởng đến các kế hoạch của Nokia tại đây không?
Đó là vấn đề của Việt Nam hiện nay dù 5G đã được quan tâm tương đối sớm và chính phủ các nhà mạng cũng đã triển khai thương mại. Việc chậm trễ ở Việt Nam cũng có nguyên nhân khách quan, tuy nhiên chúng tôi vẫn kỳ vọng tần số mới sẽ sớm được cấp phép. Trong thời gian này chúng tôi hỗ trợ nhà mạng chuẩn bị về hạ tầng, đánh giá, thiết kế và phát triển hệ sinh thái. Với khâu chuẩn bị tốt thì khi chính phủ có kế hoạch đấu giá, các nhà mạng có được tần số, thì các nhà mạng có thể triển khai ngay nhanh chóng 5G trong năm tới.
- Hiện tại chính phủ của nhiều nước như Thái Lan hay Indonesia đã có những chương trình hợp tác về công nghệ và các lĩnh vực khác. Liệu Nokia có hướng đến kế hoạch tương để cùng thực hiện những dự án chung như phát triển 5G chẳng hạn?
Quy mô hợp tác toàn cầu là xu hướng chung khi doanh nghiệp nào đó đi vào hoạt động vào một thị trường nhất định, với các điều kiện đặc thù của thị trường đó. Đối với hoạt động của Nokia tại Việt Nam, chúng tôi cung cấp tất cả các dịch vụ và có những chương trình hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể xây dựng và quản lý hạ tầng mạng lưới, làm chủ công nghệ hiện tại và một số công nghệ tương lai tiềm năng.
Nhìn chung chúng tôi cũng có những chương trình hợp tác tương tự như vậy ở Việt Nam, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có thể làm chủ một số công nghệ cũng như một số sản phẩm đặc thù.