5G trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

minhtam

02/10/2020 14:12

Nước nào sở hữu 5G sẽ sở hữu nhiều đổi mới quan trọng và đặt ra tiêu chuẩn công nghệ cho phần còn lại của thế giới, từ đó nắm quyền lực kiểm soát chuỗi cung ứng.

Trước khi ông Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ thực hiện chuyến công du khắp châu Âu năm 2019, hầu hết các đồng minh của nước này chỉ coi việc xây dựng mạng 5G đơn thuần là quyết định chọn nhà thầu. Các nước đã nghe thấy cảnh báo của Mỹ rằng lắp đặt thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong hệ thống sẽ giúp Bắc Kinh đặt chân vào “cửa sau” để các cơ quan tình báo nước này đọc được, bóp méo và gián đoạn thông tin số, nhưng những mối lo ngại an ninh này không được xem trọng. Các quan chức châu Âu bị sốc khi ông Pompeo đột ngột đưa vấn đề 5G như phép thử độ trung thành của các đồng minh.

Quan điểm của Mỹ về gốc rễ là: Nếu các hãng công nghệ Trung Quốc, dẫn đầu là Huawei, được cho phép lắp đặt phần cứng và phần mềm của hệ thống viễn thông mới, chính quyền Trung Quốc dần dần sẽ chiếm được quyền kiểm soát lớn chưa từng có trên hàng loạt các hệ thống cơ sở hạ tầng. “Không chỉ là viễn thông”, dẫn lời một quan chức Mỹ trong buổi tóm tắt cảnh báo, “Đó còn là các đường ống dẫn ga, hệ thống cung cấp nước, nhà máy công xưởng, “thành phố thông minh” trong tương lai”. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ Trung Quốc dùng Huawei vào các mục đích bất chính.

Nỗ lực bất thành của Washington

Đến cuối năm 2019, mọi sự cũng tương tự như cuối năm 2018: Duy nhất chỉ có Úc chính thức tuyên bố cấm sử dụng thiết bị của Huawei, mặc dù New Zealand và Nhật Bản cũng âm thầm từ bỏ mua hàng từ công ty này. Ngược lại, Huawei từ từ chiếm được nhiều khách hàng hơn. Tháng Hai 2020, Huawei tuyên bố có được 90 hợp đồng 5G, trong đó chưa đến một nửa là với các nhà mạng châu Âu. Trong khi nhiều quốc gia hứa hẹn từ chối Huawei để quay về với các nhà cung cấp phương Tây, làn sóng rõ ràng đã trở nên bất lợi với chính quyền của Tổng thống Trump. Vào lúc ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu suy yếu, các đồng minh nhất định đang phân vân suy đoán nền kinh tế lớn nào quan trọng hơn cho tương lai của họ.

Bên trong chính quyền Trump cũng có nhiều quan điểm trái chiều quanh cách thức đối phó Bắc Kinh. Một nhóm những người chống Trung Quốc mạnh mẽ, dẫn đầu là Ngoại trưởng Pompeo, cho rằng áp đặt lệnh cấm lên Huawei là khỏi bàn cãi. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin lại khoan nhượng hơn. Tổng thống Trump thực ra là người lung lay. Có lúc ông miêu tả 5G là vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng và ban hành lệnh cấm vận. Lúc khác ông lại đề nghị thu hồi lệnh cấm, có lẽ để theo đuổi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Kết quả là, các công ty và cả đồng minh Mỹ đều bối rối không biết Mỹ thực sự định làm gì. Và trong lúc chưa có chiến lược hành động rõ ràng đã dẫn đến nỗi sợ hãi rằng nước Mỹ đang tụt lại đằng sau về mặt công nghệ.

Gió đổi chiều

Chỉ vài tháng sau khi thông báo dẫn đầu về 5G, tình hình dường như đổi chiều với những dấu hiệu bất lợi cho hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Một loạt các quốc gia đã loại Huawei khỏi danh sách nhà cung cấp hạ tầng 5G, một xu hướng mà ông Pompeo vui mừng mô tả như "sự bừng tỉnh xuyên Đại Tây Dương trước sự thật về những gì đang diễn ra" với các vấn đề của Trung Quốc, trong đó có Huawei. Có vẻ các nỗ lực thuyết phục không ngừng nghỉ của cá nhân Ngoại trưởng Mỹ và các biện pháp gắt gao, cứng rắn của Bộ Thương mại Mỹ nhằm cắt bỏ Huawei khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn, từ đó, loại bỏ đối thủ Trung Quốc khỏi cuộc đua 5G, cuối cùng cũng phát huy tác dụng.

Tháng Bảy 2020, ba nhà mạng lớn nhất của Singapore là SingTel, StarHub và MobileOne tuyên bố chọn Ericsson và Nokia (Phần Lan) là nhà cung cấp thiết bị chính cho mạng 5G nước này. Ngày 24.6.2020, chính phủ Singapore đã chính thức cấp giấy phép lắp đặt 5G toàn quốc cho ba nhà mạng trên triển khai 5G từ tháng Một 2021, hướng đến phủ sóng toàn bộ quốc đảo này trước cuối năm 2025. “Quy trình của chúng tôi không bỏ qua nhà cung cấp nào”, theo ông S. Iswaran, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore. Ông nhấn mạnh rằng trọng tâm của việc chọn lựa là an ninh, độ bền và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh rằng quyết định chọn các nhà cung cấp Bắc Âu không phải là sự từ chối với hãng công nghệ Huawei.

StarHub, hãng viễn thông lớn thứ hai của Singapore cho biết vẫn sử dụng các thiết bị do Huawei sản xuất, chỉ không phải trong hạ tầng cốt lõi như trạm thu phát sóng (base station). TPG Telecom, hãng viễn thông Úc, vốn có đối tác là Huawei dù không được cấp giấy phép toàn quốc như ba nhà mạng trên, vẫn được phép triển khai 5G ở một số khu vực và địa điểm. Tuy nhiên, Huawei đã chính thức mất thị phần lớn tại quốc gia châu Á coi 5G là động lực chính thúc đẩy kinh tế quốc gia này.

Tại Canada, kể từ khi vào thị trường năm 2008, Huawei đã đạt được các bước phát triển mạnh mẽ. Huawei là nhà cung cấp lớn thứ ba cho Telus, một trong ba hãng viễn thông lớn nhất Canada, đồng thời hợp tác với Telus trong một dự án thí điểm 5G năm 2017. Huawei cũng hợp tác với Bell Canada trong một dự án thí điểm “Internet vạn vật” (Internet of Things). Huawei cũng tài trợ cho các trường đại học hàng đầu Canada thực hiện những nghiên cứu giúp công ty có được nhiều bằng sáng chế và có hơn một nghìn nhân viên tại Canada (tính đến tháng 12.2019). Tuy nhiên, Canada là thành viên trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand. Chính phủ Mỹ không ngừng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cấm Huawei tại Canada, thậm chí còn đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo nếu nước này tiếp tục hợp tác với Huawei.

Chính phủ Canada phải tiến hành một cuộc đánh giá an ninh quốc gia để xem xét liệu Canada có nên noi gương các nước trong liên minh về việc cấm cửa Huawei. Khi chưa có quyết định cuối cùng, các công ty viễn thông lớn của Canada bao gồm Bell, Telus và Rogers Communications tháng Sáu vừa rồi đã thông báo chọn Ericsons và Nokia làm nhà cung cấp thiết bị mạng 5G, dù không đề cập đến Huawei. Quyết định của các nhà mạng khiến lựa chọn của chính phủ với vấn đề Huawei dễ dàng hơn. “Niềm tin với Trung Quốc đã mất”, theo Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc (2012-2016). Ông St-Jacques từng tin rằng có cách để Huawei tham gia vào mạng 5G Canada mà vẫn đảm bảo an ninh, tuy nhiên, sau khi xem xét số liệu dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc, ông tin chắc rằng hãng công nghệ Trung Quốc cần bị cấm khỏi dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Yếu tố chính trị

Khủng hoảng xung đột biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đã bắt đầu lan sang thương mại song phương. Năm 2019, Huawei được Ấn Độ “chào đón nồng nhiệt”, khi được tham gia thử nghiệm mạng 5G ở nước này. Tuy nhiên, sau cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Huawei bất ngờ bị cuốn vào số các doanh nghiệp Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Ấn Độ. Các hãng viễn thông do chính phủ Trung Quốc sở hữu được lệnh không được sử dụng các thiết bị của Huawei để nâng cấp hạ tầng 4G hoặc thiết lập thử nghiệm 5G.

“Huawei có thể bị cuốn vào căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tinh thần dân tộc đã củng cố quan điểm rằng chúng tôi sẽ không sử dụng thiết bị nào của Trung Quốc”, theo Chaitanya Giri, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất của Ấn Độ cũng không thể hoạt động mà không có thiết bị viễn thông và sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc. Việc Huawei có nắm bắt được thị trường gần 1,4 tỉ dân với sự nhu cầu tăng mạnh về điện thoại di động của Ấn Độ hay không, vẫn còn phải chờ đợi câu trả lời.

Bên cạnh Ấn Độ, Anh cũng là quốc gia thay đổi quyết định về 5G. Ngày 4.7, tờ Telegraph của Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson sắp sửa loại bỏ vai trò của Huawei trong dự án xây dựng mạng 5G nước này, bất chấp sự cho phép hạn chế hồi đầu năm. Quyết định đảo ngược này sẽ khiến các nhà mạng ở Anh mất đến 1,9 tỉ USD chi phí thay thế, theo công ty nghiên cứu thị trường Enders Analysis. Ngành viễn thông nước này cũng được cảnh báo lệnh cấm Huawei ngay lập tức sẽ khiến việc triển khai toàn diện 5G bị chậm trễ tiến độ hai năm, vì các nhà mạng phải tái lập lại kế hoạch và ký hợp đồng cung ứng mới. Tuy nhiên, sự hiện diện của Huawei có khả năng sẽ giảm dần, đi đến chấm dứt hoàn toàn vào năm 2023.

Victor Zhang, một phó chủ tịch của Huawei hồi tháng Năm cho biết Huawei sẵn lòng thảo luận với Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh về “bất kỳ mối lo ngại nào và hy vọng tiếp tục mối quan hệ hợp tác thân thiết trong mười năm vừa qua”. Các chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không dễ để chính phủ Anh đảo ngược quyết định về Huawei mà không dùng tới biện pháp trừng phạt nào, đặc biệt khi các quốc gia châu Âu khác đang cân nhắc xây dựng mạng 5G của mình.

5G và tương lai của Internet

Vị thế của Trung Quốc trong 5G là vấn đề lớn hơn bất kỳ tranh cãi cụ thể về việc chọn nhà thầu Trung Quốc hay phương Tây. Điều này nảy sinh các viễn cảnh cạnh tranh về tương lai của Internet trong vài năm tới.

Một nhóm người cho rằng việc triển khai mạng 5G là một phần của xu hướng lớn hơn tất yếu dẫn đến việc tạo ra một bức tường Berlin mới – một rào cản chia cách thế giới thành hai mạng Internet. Một bên là mạng lưới quen thuộc phương Tây, đầy rẫy quảng cáo, tự do ngôn luận và những điều không thể tránh khỏi là lạm dụng và hỗn loạn trong một không gian rộng lớn, không có luật lệ. Bên kia là một không gian mạng có kỹ thuật nhận diện khuôn mặt và công nghệ AI tối cao được tận dụng để kiểm soát tuyệt đối.

Cả hai thế giới này đang dần định hình. Nhưng những nhà chỉ trích quan điểm này cho rằng bất kỳ “bức tường ảo” nào cũng dễ dàng xâm nhập. Để liên lạc và thực hiện kinh doanh toàn cầu, thế giới vẫn cần trao đổi dữ liệu ở tốc độ chóng mặt – qua lại giữa hai thế giới Internet: một tự do và một có kiểm soát, việc môi trường mạng ít an toàn hơn là chắc chắn. Do vậy, các dữ liệu vẫn luôn dễ xâm nhập, thậm chí nếu Huawei và các công ty Trung Quốc khác bị cấm khỏi Mỹ.

“Bắt buộc phải tiếp tục mạng nhiễm bẩn, và điều chỉnh tương ứng”, bà Sue Gordon, nguyên phó giám đốc tình báo an ninh quốc gia Mỹ nói thẳng thừng. Quốc gia từng thống lĩnh thế giới viễn thông từ khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, giờ phải chấp nhận thực tế rằng mình không còn nắm quyền kiểm soát thế giới số nữa. Thượng nghị sĩ Mark Warner mô tả sự thay đổi này như sau: “Chúng ta đã quen với thế giới mà Mỹ phát minh ra Internet, đặt đặt ra các tiêu chuẩn và sản xuất tất cả các linh kiện quan trọng. Thế giới đó đã không còn và sẽ không bao giờ trở lại”.

Nhưng liệu thế giới có mãi mắc kẹt trong cuộc chiến giữa hai quyền lực công nghệ lớn, mà chiến trường lần này là quyền kiểm soát mạng viễn thông thay vì địa chính trị? Liệu có chỗ đứng nào ở phương Tây cho quyền lực công nghệ Trung Quốc đang trỗi dậy, và có thể nào xây dựng quy tắc để tương lai của mạng viễn thông quan trọng nhất không còn là tranh cãi giữa các quốc gia lớn không?

Bước đi của Trung Quốc

Các công nghệ 3G và 4G trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được thế giới chào đón là hệ thống được thiết kế, xây dựng và kiểm soát bởi phương Tây. Công nghệ bị chi phối bởi các nhà sản xuất Mỹ: Hầu hết mạng không dây phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống chuyển mạch do Cisco xây dựng và công nghệ vô tuyến không dây do Qualcomm thiết kế. Phương Tây được xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật và thúc đẩy các phiên bản thiết bị và quy định của họ, mang lại cho mình lợi thế cạnh tranh đáng kể.

Người Trung Quốc nhanh chóng hiểu rằng 5G là cơ hội để họ bắt kịp, nên đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển 5G, ồ ạt mua lại công nghệ từ các công ty Mỹ. Sự lớn mạnh của Huawei, khởi đầu là một công ty viễn thông trong nước do cựu kỹ sư quân đội Nhậm Chính Phi thành lập, nổi lên như biểu tượng của tham vọng toàn cầu Trung Quốc. Vào giữa năm 2019, Huawei chiếm khoảng 29% thị phần thiết bị viễn thông thế giới.

Những bước đi chậm và chắc này của Trung Quốc mãi sau này mới được chú ý. Thành lập từ năm 1987, nhưng Huawei có hai thập kỷ đầu tiên không bị coi là mối đe dọa. Mãi giữa năm những năm 2000, thành công của Huawei mới gióng lên vài tiếng chuông cảnh báo trong giới quan chức Mỹ. Đến năm 2012, Huawei bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị cho chính phủ Mỹ.

Huawei luôn khăng khăng cho rằng mình thuộc sở hữu tư nhân, mỗi nhân viên đều sở hữu một phần cổ phần. Nhưng mối quan hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc đã bị tiết lộ. Sự lớn mạnh của Huawei một phần là nhờ vào mạng lưới tài chính chặt chẽ do chính phủ hậu thuẫn, khách hàng chính phủ và nhân sự đồng thời là quân nhân và cán bộ tình báo.

Tuy nhiên, chứng minh về nguồn gốc thành công của mình hiện nay không còn phải là vấn đề của Huawei. Sống sót mới là mục tiêu chính. Theo lệnh cấm hồi tháng Năm 2002 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty nước ngoài không được bán sản phẩm bán dẫn có nguồn gốc công nghệ Mỹ cho Huawei, công ty Trung Quốc chưa thể tìm ra ngay giải pháp thay thế trong dài hạn với các thành phần quan trọng. Ngày nào chưa tự chủ được nguồn cung bán dẫn – “các thành phần thiết yếu nhất” trong hoạt động kinh doanh trạm phát sóng 5G của công ty, Huawei còn trong thế khốn khó.

Ngay từ cuối năm 2018, khi CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ, Huawei đã dồn sức mua các bộ xử lý trung tâm do Intel sản xuất dùng trong các máy chủ và chip có thể lập trình từ công ty bán dẫn Xilinx (Mỹ). Lượng hàng dự trữ được ước tính có thể đủ đáp ứng nhu cầu trong một năm rưỡi đến hai năm, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review. Dù không phải giải pháp lâu dài, nhưng kho dự trữ chip bán dẫn hiện là cách phòng vệ tối ưu nhất của Huawei khi bị Mỹ ngăn cản tiếp cận nguồn thiết bị bán dẫn, tạm thời giúp Huawei tồn tại trong thời gian tới.

Hứa hẹn, thực tế và chiến lược

Trong khi hàng chục - nếu không phải hàng trăm bài báo được xuất bản gần đây nói về sự cần thiết của Hoa Kỳ để giành chiến thắng trong cuộc đua tới 5G, thì các luận điểm hiếm khi tập trung vào việc 5G thực sự là gì, nó hứa hẹn như thế nào, hoặc một lãnh đạo công nghệ sẽ như thế nào.

Trong khi giới báo chí không ngừng đề cập việc Mỹ phải thắng trong cuộc đua 5G, hiếm có bài nào tập trung giải thích 5G thực sự là gì, đem lại điều gì và khiến thế giới công nghệ biến chuyển ra sao. Triển vọng thực sự của 5G không phải nằm ở tốc độ, mà là các ứng dụng tương lai mà tốc độ công nghệ này cho phép, cùng với khả năng khai thác triệt để 5G để cho ra đời công nghệ mới. Các thế hệ mạng không dây trước đây được thiết kế cho người dùng, và họ chủ yếu dùng để gọi điện thoại và truyền dữ liệu.

5G thì khác: Nó được thiết kế để máy móc nói chuyện với nhau, cho phép chia sẻ lượng dữ liệu khổng lồ giữa hàng tỉ thiết bị cảm biến, robot, xe tự động , v.v. Đó chính là lý do 5G có ý nghĩa cách mạng đối với các ngành nghề, an ninh quốc gia và lợi ích của con người.

Câu hỏi đặt ra là vị trí của Mỹ có thích hợp để khai thác các lợi thế này của 5G hay không. Kể cả không có Huawei cạnh tranh, Mỹ có đang đi đúng hướng trong việc triển khai mạng viễn thông riêng của mình một cách hiệu quả không. “Nước nào sở hữu 5G sẽ sở hữu nhiều đổi mới quan trọng và đặt ra tiêu chuẩn công nghệ cho phần còn lại của thế giới. Vị trí đó hiện tại có thể không phải của Mỹ”, theo kết luận của Ủy ban Công nghệ Quốc phòng Mỹ (DIB) năm 2019.

Mối lo ngại chính là về mặt kỹ thuật: Mỹ đã chọn một phổ tần không dây khác biệt cho mạng 5G của mình, so với phần còn lại của thế giới – quyết định có thể dẫn đến các vấn đề bất tương thích quan trọng và làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Mỹ. Một nỗi sợ khác là làn sóng phản đối dữ dội việc lắp đặt các cột phát sóng 5G vì lý do thẩm mỹ và sức khỏe.

Nhưng trên phương diện rộng hơn, lý do cho sự tấn công tập trung vào Huawei chính là mật độ tăng dần của các thiết bị viễn thông được thay thế, tốc độ cập nhật ngày càng nhanh của các phần mềm và số lượng các thiết bị được kết nối chéo trong Internet vạn vật ngày một gia tăng.

Trận đấu 5G chỉ là một phần trong các nỗ lực lớn hơn để kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng có ý nghĩa quan trọng cả về mặt công nghệ lẫn danh thế. Người thắng cuộc sẽ là người kiểm soát hệ thống mạng Internet tiên tiến nhất – người nắm đằng chuôi con dao quyền lực toàn cầu.

Cao Dung

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "5G trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung" tại chuyên mục Công nghệ.