COVID-19 giúp Trung Quốc vượt xa trong cuộc đua 5G

caodung

07/05/2020 12:00

Nền kinh tế số 2 thế giới dự kiến chiếm 60% thiết bị di động 5G toàn cầu vào năm 2020.

Vào tháng Hai, khi các thành phố trên khắp tỉnh Tứ Xuyên bị phong tỏa để chống lại sự lây lan của COVID-19, thiết bị bay không người lái (drone) bay vòng quanh bầu trời, phát thông báo về các biện pháp phòng chống đại dịch, phun thuốc khử trùng và thậm chí tiến hành chụp ảnh nhiệt kiểm tra dân cư.

Cách Bắc Kinh khoảng 1.800 km, drone 5G phân phát khẩu trang gần Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh và giao suất ăn nóng hổi cho bệnh nhân để giảm bớt sự tiếp xúc giữa người với người. Tại Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên, hiện có hàng trăm xe tải không người lái tiếp tục vệ sinh đường phố.

Đây chỉ là một vài ví dụ về cách Trung Quốc khai thác công nghệ 5G với tốc độ truyền tải cực nhanh để chống lại virus chết người - và vượt lên phương Tây trong một cuộc chiến công nghệ quan trọng.

Các mạng 5G thế hệ kế tiếp hứa hẹn tốc độ truyền dữ liệu nhanh, độ trễ thấp, làm nền tảng ra đời một loạt các ứng dụng tương lai. Bắc Kinh bắt đầu tăng tốc triển khai 5G vào năm ngoái khi căng thẳng với Washington gia tăng về các vấn đề thương mại và công nghệ. Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt 5G là một trong những mục tiêu chính được chính phủ hỗ trợ đặc biệt để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế.

Thay vì làm trật hướng mục tiêu của Bắc Kinh, COVID-19 là liều thuốc tăng lực cho Trung Quốc, bằng cách đem lại phần còn thiếu cho bức tranh ghép 5G: gợi ý cách kiếm tiền từ công nghệ mới.

"Cuộc khủng hoảng COVID-19 không ngờ đã trở thành một cơ hội lớn để Trung Quốc nhanh chóng thử nghiệm rất nhiều ứng dụng 5G - bao gồm drone, xe không người lái, cửa hàng tự động và thậm chí cả điện thoại 5G – những ứng dụng mà năm ngoái trước đại dịch không ai biết cách sử dụng hiệu quả ", theo Wallace Hsu, một nhà phân tích của Market Intelligence & Consulting Institute, cơ quan theo dõi các chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Ngoài drone và xe tải không người lái, mạng 5G mới được triển khai đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến phục vụ hơn 1,57 triệu tiết học, trong khi tại một số trường trung học ở Bắc Kinh, giáo viên đã tiến hành kiểm tra từ xa bằng điện toán đám mây.

Lĩnh vực y tế cũng tìm thấy nhiều cách có thể áp dụng 5G. Hơn 100 bệnh viện áp dụng hệ thống 5G để tư vấn y tế từ xa trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Các bác sĩ đóng quân ở tỉnh Chiết Giang thậm chí còn sử dụng công nghệ này để điều khiển robot từ xa để tiến hành siêu âm trên bệnh nhân COVID-19 cách đó 700 km trong một bệnh viện ở Vũ Hán.

Những ứng dụng này và các ứng dụng khác của 5G là kết quả của việc triển khai hợp tác bởi Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và China Mobile, nhà mạng hàng đầu của Trung Quốc.

Bắc Kinh bắt đầu cấp giấy phép thương mại 5G vào tháng Sáu 2019 để hỗ trợ Huawei sau khi Washington đưa công ty này vào danh sách đen thương mại một tháng trước đó. Tháng Ba 2020, Chủ tịch Tập cam kết tăng tốc đầu tư “cơ sở hạ tầng mới”, bao gồm triển khai 5G, trung tâm dữ liệu và đường sắt cao tốc, để ổn định nền kinh tế sau khi GDP của Trung Quốc giảm 6,8% trong giai đoạn tháng Một – tháng Ba, suy giảm đầu tiên, kể từ năm 1992.

Mặc dù China Mobile, China Telecom và China Unicom - ba nhà mạng lớn nhất của đất nước – không thực sự nhiệt tình đầu tư vào 5G vì môi trường kinh tế đầy biến động, họ cũng không thể bỏ qua lời kêu gọi của chính phủ. Kết hợp lại, bộ ba sẽ chi hơn 25,45 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng liên quan đến 5G trong năm nay, cao gấp năm lần so với số tiền họ chi cho 5G vào năm 2019, theo dữ liệu của các công ty này.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng và vận hành ít nhất 600.000 trạm phát 5G trên cả nước vào cuối năm 2020 và đã đạt được gần một phần ba mục tiêu đó vào cuối quý I, theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.

Sự thúc đẩy của chính phủ đã mang lại lợi ích cho Huawei và ZTE. Hai công ty này chắc chắn có hơn 80% cổ phần trong các dự án cơ sở hạ tầng 5G của China Mobile, chiếm 40% tổng số trạm phát 5G tại Trung Quốc trong năm nay.

"Ngoài Trung Quốc, việc triển khai 5G ở các khu vực còn lại của thế giới về cơ bản bị ảnh hưởng do bùng phát dịch. Kế hoạch phủ sóng 5G ở Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Áo bị đình hoãn", theo Kelly Hsieh, một nhà phân tích viễn thông tại TrendForc. "Hơn nữa, Trung Quốc đang sử dụng chính sách quốc gia để thúc đẩy công nghệ 5G, trong khi 5G ở Mỹ và Hàn Quốc là thị trường do người tiêu dùng điều khiển. Khó để hai nước này đẩy nhanh 5G nếu không có ứng dụng kiệt xuất để thu hút người tiêu dùng sử dụng công nghệ 5G”.

Không chỉ triển khai mạnh cơ sở hạ tầng 5G, Trung Quốc hiện cũng có dấu hiệu phục hồi trên thị trường điện thoại thông minh, chủ yếu được thúc đẩy bởi các thiết bị cầm tay 5G. Về tổng quan, thị trường điện thoại thông minh trong ba tháng đầu năm 2020 sụt giảm mạnh so với năm 2019 do các doanh nghiệp ngừng hoạt động trong đại dịch.

Rick Tsai, Giám đốc điều hành của MediaTek, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm cho biết thời điểm tồi tệ nhất của thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đã qua và sẽ phát triển trở lại bằng mức như năm trước. Ông cũng dự báo sự bùng nổ điện thoại thông minh 5G tại Trung Quốc trong năm nay. Theo dự báo của MediaTek, nhà cung cấp chip di động cho Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi và Samsung, có tới 60% trong số 170 - 200 triệu điện thoại thông minh 5G được xuất xưởng trên toàn thế giới trong năm nay sẽ tập trung ở Trung Quốc. Công ty nghiên cứu IDC cũng dự đoán hơn 50% nhu cầu điện thoại thông minh 5G toàn cầu sẽ có mặt ở Trung Quốc trong năm nay.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc cũng quyết liệt hơn những người chơi khác trong việc tung ra điện thoại thông minh 5G. Chủ tịch và Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun, cho biết vào tháng 2 rằng công ty dự kiến ​​sẽ giới thiệu hơn 10 dòng điện thoại di động tích hợp tính năng 5G trong năm nay. Huawei, Oppo và Vivo cũng đã giới thiệu các mẫu smartphone 5G cao cấp và tầm trung, sau lần ra mắt sản phẩm 5G đầu tiên năm 2019. Ngược lại, Apple sẽ chỉ ra mắt iPhone 5G đầu tiên của mình vào nửa cuối năm nay và còn có khả năng trì hoãn kế hoạch này.

Tuy nhiên, các nhà theo dõi thị trường cảnh báo rằng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn có thể ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể khiến một số người không mua một điện thoại thông minh 5G đắt tiền hơn.

"5G thực sự là thứ để các nước lớn như Trung Quốc thể hiện sức mạnh công nghệ của mình. Ở cấp độ chính phủ, không có lý do gì để chậm phát triển", theo Joey Yen, nhà phân tích công nghệ của IDC. "Tuy nhiên, sự yếu kém về kinh tế nói chung vẫn là mối lo ngại lớn trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi thực sự không biết liệu cuối cùng người tiêu dùng ở Trung Quốc có thực sự ra ngoài để mua những chiếc điện thoại 5G đó, và liệu các doanh nghiệp tư nhân vẫn dồn tiền nâng cấp cho bộ định tuyến 5G và internet không dây nhanh như vậy trong kỷ nguyên hậu virus Corona".

Theo Nikkei Asian Review

caodung
Bạn đang đọc bài viết "COVID-19 giúp Trung Quốc vượt xa trong cuộc đua 5G" tại chuyên mục Khoa học quản lý.