OCOP Quảng Bình: Định hình sản phẩm mang giá trị văn hóa và con đường xúc tiến thương mại

Đinh Loan

18/04/2024 05:30

Hiện nay các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách trong và ngoài nước. Việc phát huy được giá trị lợi thế đặc sản của địa phương, cùng các giá trị văn hóa bản địa là hết sức quan trọng, để sản phẩm OCOP bán với giá cao bên cạnh vấn đề chất lượng thì người tiêu dùng còn quan tâm tới câu chuyện sản phẩm và giá trị văn hóa trong đó...

Sản phẩm và giá trị văn hóa

Quảng Bình, xác định phải tích cực khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã bảo đảm đồng bộ, hiện đại và bài bản; có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là OCOP), toàn tỉnh sẽ có khoảng 150 sản phẩm OCOP. Mục tiêu xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, bảo đảm đồng bộ, các thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Bình được thương mại hóa trên toàn quốc.

Theo phân hạng cấp tỉnh, Quảng Bình có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Cá bờm trắng (Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn); Cao thìa canh Thanh Bình (Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm); Nước mắm truyền thống Ngọc Biển (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TH Việt Trung) và Đũa gỗ Quảng Thủy (Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy). Các sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh đều được chủ thể quan tâm đầu tư phát triển từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường...

z5356454385158-88367209725307df6939381973d55ed6-1713347544.jpg
Các sản phẩm OCOP của Việt Nam được giới thiệu tại Thái Lan.

Theo Chi cục Phát triển Nông Thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, thời gian tới, các chủ thể cần đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm đầu ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ, đặc biệt là kết nối với các sàn giao dịch, thương mại điện tử…; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiến tới áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO/HACCP/GMP… để xuất khẩu sản phẩm, hướng tới thị trường ngoài nước.

Cùng với các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, nhiều địa phương đã tích cực khai thác tiềm năng của kênh xúc tiến thương mại mới, đó là các sàn thương mại điện tử nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, nhắm tới việc kết nối xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, từng bước chuyển đổi số thông qua các nền tảng số, giúp tăng hiệu quả quản lý quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, gắn với thương mại điện tử”.

Hiện nay, cũng đánh giá rất cao hiệu quả của việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của địa phương được nhanh chóng đưa lên các sàn Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Vỏ Sò (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), Sen Đỏ (Tập đoàn FPT)… 

Việc công nhận và gắn "sao" sản phẩm OCOP là một quá trình vất vả và khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu của tiêu chí. Việc giữ được chất lượng sản phẩm OCOP theo “sao” đã công nhận lại là việc khó khăn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có hiện tượng suy giảm về chất lượng và “tụt” tiêu chí yêu cầu.

Năm 2019, toàn tỉnh có 189 sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương. Qua đánh giá, xếp hạng, có 59 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 28 sản phẩm đạt từ 2 sao đến 4 sao, 31 sản phẩm đạt 1 sao. Giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất, các chủ thể OCOP phải là những người đầu tiên có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình. Đồng thời phải tư duy, nghiên cứu và trên cơ sở hiểu biết về tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ đó đưa ra các ý tưởng để tạo ra các sản phẩm mới trong quá trình sản xuất.

Chương trình OCOP là sản phẩm địa phương, do đó, việc phát huy được giá trị lợi thế đặc sản của địa phương, phát huy các giá trị văn hoá bản địa là hết sức quan trọng. Bởi để sản phẩm OCOP bán với giá cao bên cạnh vấn đề chất lượng thì người tiêu dùng còn quan tâm tới câu chuyện sản phẩm và giá trị văn hoá trong đó.

Quảng bá, xúc tiến thương mại, cánh tay nối dài các chủ thể OCOP

Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại. Các cơ quan lý Nhà nước sẽ là các cơ quan nối dài, hướng dẫn hỗ trợ cho các chủ thể OCOP cùng phối hợp với các tập đoàn, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó, đưa các sản phẩm OCOP lan rộng hơn từ địa phương này sang địa phương khác và hướng tới việc xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua các kênh, các sàn thương mại điện tử. Đây sẽ là một nội dung rất quan trọng để góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho các chủ thể OCOP.

Do đó, với việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra là rất quan trọng. Việc tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể. Có như vậy mới giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn “sao”.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm tạo ra từ chương trình OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hóa truyền thống. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển trên cơ sở phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu.

anh-nam-1713347572.jpg
Các sản phẩm OCOP Quảng Bình nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham quan.

Chương trình OCOP Quảng Bình đã có nhiều thành công. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các chương trình xúc tiến, quảng bá.

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để nói về OCOP, đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là một trong những tiêu chí về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện”. 

Theo ông Nam, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng…

Theo đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát triển kinh tế nông thôn.

Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Đinh Loan