Người dân khó khăn làm gì để nhận các gói hỗ trợ trị giá 27.786 tỷ đồng?

Đức Anh

19/08/2021 18:03

Đến nay tại TPHCM đã có 3 gói hỗ trợ trị giá 27.786 tỷ đồng, trong đó hai gói của địa phương và một gói của Trung ương. Theo đó nguyên tắc là người đã nhận cứu trợ gói của TP HCM thì thôi gói Trung ương. Vậy người dân TP HCM làm gì để nhận các gói hỗ trợ này?

goi-ho-tro-1629369966.jpg
Người dân khó khăn trên địa bàn quận 12, TP HCM nhận phần quà hỗ trợ từ cán bộ MTTQ. Ảnh: NLĐ

GÓI HỖ TRỢ THỨ NHẤT: 886 TỶ ĐỒNG. 

Gói hỗ trợ này được triển khai từ tháng 7 với 6 nhóm đối tượng.

Cụ thể, nhóm đối tượng nhận gói hỗ trợ này gồm những người lao động: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm việc thuộc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của chính quyền thành phố ngày 30/5/2021.

Mức chi: Mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.

Để nhận hỗ trợ, người dân cần liên hệ tổ trưởng dân phố, khu phố hoặc cảnh sát khu vực nơi mình sống, kê khai thông tin yêu cầu hỗ trợ theo mẫu. Trưởng khu phố tổng hợp danh sách gửi chính quyền phường, xã thẩm định, sau đó nơi này gửi lên cấp trên xét duyệt.

Với lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bị hoãn việc, nghỉ không lương, người chủ phải lập danh sách theo mẫu, gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội để đối chiếu, xác nhận đã đóng bảo hiểm đến thời điểm được hỗ trợ.

Lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cần làm tờ khai, photo sổ bảo hiểm xã hội, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi mình thường trú. Cơ quan bảo hiểm xác nhận rồi chuyển về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Đơn vị này tập hợp danh sách hai nhóm trên, trình chủ tịch quận, huyện ra quyết định chi trả.

UBND thành phố yêu cầu việc thẩm định hồ sơ không quá 7 ngày. Với lao động tự do, các quận huyện thẩm định trong 3 ngày, phường xã xét duyệt trong 2 ngày và chi trả hỗ trợ trong 2 ngày. Người tạm trú không cần về quê làm xác nhận ở địa phương - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, để dễ tiếp cận gói hỗ trợ.

 

GÓI HỖ TRỢ THỨ HAI: 900 TỶ ĐỒNG

Gói hỗ trợ này được triển khai đầu tháng 8 dành cho 3 nhóm đối tượng.

Nhóm 1 là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 4 điều 2 Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP HCM về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và Mục IV Công văn 2209 ngày 1-7 của UBND TP HCM về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.

Cụ thể, mỗi người lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng (50.000 đồng/người/ngày trong 30 ngày). Số lao động dự kiến được hỗ trợ là 334.192 người (bằng với số lao động tự do đã nhận hỗ trợ đợt 1 tính đến ngày 2-8). Tổng kính phí hỗ trợ là hơn 500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP HCM.

Nhóm 2 là hộ nghèo; hộ cận nghèo đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, mỗi hộ theo quy định được hỗ trợ 1 lần với mức 1,5 triệu đồng. Trong đó, ngân sách TP HCM là 1 triệu đồng; kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ TP là 500.000 đồng (gồm: 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng). Số hộ nghèo, cận nghèo dự kiến được hỗ trợ là 90.585 (theo số liệu đến ngày 1-1-2020). Tổng kinh phí hỗ trợ nhóm này là hơn 135,8 tỉ đồng.

Nhóm 3 là hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ 1 lần). Trong đó, ngân sách TP HCM là 1 triệu đồng, kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ TP là 500.000 đồng (gồm: 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng). Số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa dự kiến được hỗ trợ là 175.477. Tổng kinh phí hỗ trợ nhóm này là hơn 263,2 tỉ đồng.

Đối với gói hỗ trợ này, chính quyền thành phố yêu cầu các phường, xã , ấp, khu phố... chủ động đến từng nhà dân, khu trọ để lập danh sách, trao triền hỗ trợ, không phân biệt người thường trú hay tạm trú.

Để việc hỗ trợ này đến đúng đối tượng, UBND TP HCM yêu cầu việc chi cho 3 nhóm đối tượng trên phải thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp, không bỏ sót.

 

GÓI HỖ TRỢ THỨ BA: 26.000 TỶ ĐỒNG.

Đây là gói hỗ trợ của Trung ương theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo đó nguyên tắc là người nào đã nhận cứu trợ của TP HCM thì thôi gói Trung ương, nên gói hỗ trợ này tập trung vào doanh nghiệp, một số nhóm lao động khác.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng thụ hưởng là người alo động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), bao gồm: NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ ngừng việc; NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; lao động tự do; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế.

Đối với NSDLĐ, Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định hỗ trợ chính sách: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. 

Gói này thì thủ tục hỗ trợ tốn nhiều thời gian hơn hai gói của TP HCM.

Với doanh nghiệp, hợp tác xã, trường dân lập, để nhận hỗ trợ, chủ cơ sở phải lập danh sách NLĐ kèm bản sao tạm hoãn hợp đồng; bản sao văn bản tạm dừng hoạt động theo yêu cầu chính quyền; bản sao công chứng kèm bản gốc một trong các loại giấy tờ tương ứng với nhóm thụ hưởng... Danh sách sau đó chuyển cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trong 3 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, trình UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt và rót kinh phí.

Với trường hợp phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, NLĐ làm đơn đề nghị, kèm bản sao công chứng hoặc mang bản chính hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Người đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận, giấy khai sinh.

Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách gửi lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tối đa 5 ngày, các cấp phải giải quyết xong để tiền đến tay người lao động. Mức hỗ trợ cho nhóm này là 3,71 triệu đồng, chi trả một lần.

Viên chức nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch tự làm hồ sơ gửi về nơi làm việc; hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động 15 ngày trở lên cũng tự làm giấy đề nghị hỗ trợ gửi địa phương xét duyệt.

Gói hỗ trợ này cũng giúp đỡ cho các những người và trẻ em là F0, F1... Người làm hồ sơ cần đưa bản sao chứng minh thư hoặc căn cước, giấy khai sinh, riêng F0 cần thêm giấy ra vào viện điều trị nCoV.

 

Đức Anh