Ngành gạo Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội thị trường để nâng cao năng lực chuỗi cung ứng

Trần Tùng

29/02/2024 14:07

Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Ngày 29/2 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 với chủ đề “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024”. Hội nghị tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024.

hoi-nghi-giao-ban-xuc-tien-thuong-mai-pld-1709215498.jpeg
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Năm 2024, giữa bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức.

thi-truong-gao-pld-1709215498.jpg
Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo đột ngột… đã tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023. Trong đó, hầu hết các nước xuất khẩu gạo lớn đều tập trung đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, áp lực lạm phát… đã góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao trong năm qua.

Bước sang năm 2024, ông Nam cho rằng, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, bao gồm vấn đề thời tiết, động thái từ Ấn Độ... Tại các thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường chính, châu Phi tương đối ổn định. Đáng chú ý, năm 2024, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn tiếp theo của Việt Nam.

Để tận dụng tốt các cơ hội thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường các thông tin nhanh cập nhật về số liệu xuất, nhập khẩu của các quốc gia, qua đó giúp doanh nghiệp định hướng và chủ động trong công tác xuất khẩu gạo, đồng thời nghiên cứu đàm phán, ký kết các FTA với đối tác nhằm mở thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng như định hướng nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường.

Thông qua Hội nghị, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, phía Cục sẽ tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về xuất khẩu gạo, phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam trên thế giới, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng.

“Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội tuyên truyền các doanh nghiệp về các FTA nhằm nắm rõ các quy định, nâng cao năng lực chế biến, sản xuất đáp ứng các yêu cầu thị trường” – ông Toản nhấn mạnh.

Trần Tùng