Vì sao lại là chuối mà không phải loại trái cây nào khác?
Về câu chuyện trồng chuối, Bầu Đức bắt đầu từ nỗi hoài nghi về thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn của nước láng giềng Trung Quốc. Do thấy nông sản nước mình hay bị ùn tắc tại cửa khẩu nên ban đầu, ông không có niềm tin về việc buôn bán ở thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, khi khảo sát thực địa, nhận thấy cả thế giới đều đang “thèm khát” thị trường Trung Quốc thì Bầu Đức cũng nhận ra rằng thật sự mình không cung cấp nổi nhu cầu siêu lớn của họ.
Còn vì sao lại là chuối mà không phải loại trái cây nào khác? Bởi mục tiêu của Bầu Đức là doanh số 1.000 - 2.000 tỷ đồng trở lên thì chỉ có cây chuối có thể đáp ứng nổi. Ngoài chuối, cũng có nhiều loại cây khác nhưng vì mức độ quy mô không lớn nên sẽ khó đạt doanh thu như kỳ vọng.
Thêm vào đó, chuối cũng là trái cây mang lại lợi nhuận cao. Cụ thể, nếu giá vốn làm ra sản phẩm khoảng 6.500 đồng/ký, bán 12.000 đồng/kg là tỷ lệ lời gấp đôi. Còn đối với loại chuối không xuất khẩu được để làm thức ăn cho heo, giá tạm tính 4.000 đồng một kg, mỗi ha chuối HAGL sẽ có thêm 150 triệu đồng lợi nhuận. Tính trung bình, một ha chuối của HAGL một năm lãi 400 triệu.
Theo tìm hiểu, chuối của HAGL một năm sẽ chia làm hai khung giá bán khác nhau. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 8 giá chuối sẽ khoảng 13.000 -14.000 đồng một kg; từ tháng 9 – 3 năm sau giá sẽ rất cao vào khoảng 22.000 - 23.000 đồng một kg. Nguyên nhân là do vào mùa lạnh, thị trường Trung Quốc không có chuối để bán nên giá cao hơn so với mùa nóng.
Theo Bầu Đức, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp là đầu ra và với trái chuối, Trung Quốc chịu ăn rồi là không bao giờ làm đủ cả. Theo khảo sát của đội nghiên cứu HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc là khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.
Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam, Bầu Đức tự tin rằng “tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”. Hiện nay, mỗi tuần HAGL có khoảng 300 container chuối xuất sang thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường láng giềng Trung Quốc, HAGL còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Những tháng cuối năm 2021, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn nhưng doanh thu bán chuối của HAGL vẫn tăng bởi doanh nghiệp này không bán hàng qua cửa khẩu bằng đường bộ, mà bán chính ngạch bằng đường tàu biển.
Tính đến cuối năm 2021, HAGL có tổng diện tích cây ăn trái khoảng 10.000ha. Trong đó, diện tích chuối đã là 5.000 ha (bao gồm 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia) và các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài…
Trong năm 2022, công ty sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích lên 7.000 ha. Dự kiến trong tương lại, HAGL sẽ phát triển lên 10.000 ha và trở thành một trong những nhà cung cấp chuối lớn trong khu vực và trên thế giới. Hiện HAGL cũng nằm trong nhóm 500 nhà buôn chuối lớn nhất thị trường Trung Quốc.
Vì sao Bầu Đức lại chọn nuôi heo?
Nói về quyết định chọn nuôi heo là mảng chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai, Bầu Đức chia sẻ đều do cái duyên. Theo Thanh Niên Online, trong một lần ra Hà Hội một người bạn của Bầu Đức đã nói: "Dù HAGL đã có những nốt trầm trên chặng đường phát triển nhưng anh có uy tín cá nhân khắp cả nước mà không có sản phẩm gì thì hơi tiếc". Lời nói này đã góp phần thức tỉnh Bầu Đức.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, đây cũng là lúc ông nghĩ đến việc nuôi heo vì thị trường Việt Nam tiêu thụ 8 - 9 tỷ USD cho thịt heo. Tuy nhiên, sản phẩm thịt heo của Bầu Đức lại độc đáo ở chỗ đó là “heo ăn chuối”.
Thay vì dùng các loại thức ăn khác cho heo thì Bầu Đức lại dùng chuối, đậu nành, bắp…; cụ thể heo nái thì sử dụng chuối chín để có sữa nhiều và heo thịt thì ăn bột chuối. Đặc biệt, sản phẩm heo khép kín do HAGL không dùng kháng sinh trong quá trình nuôi và thay vào đó là vitamin và thảo dược.
Ngoài ra, điểm mạnh của sản phẩm “heo ăn chuối” của HAGL là tận dụng được loại chuối không xuất khẩu để phơi khô và làm thành bột cho các trang trại heo. Mỗi năm HAGL có khoảng 200.000 tấn chuối (tương đương với tỷ lệ 50%) thu hoạch không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu về kích cỡ, màu sắc và trước đây nếu không xuất khẩu thì phần chuối này chỉ dùng làm phân bón.
Do vậy “một mũi tên trúng hai đích” vừa tận dụng các sản phẩm chuối không xuất khẩu được, vừa giảm đáng kể chi phí thức ăn cho heo, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác cùng ngành chăn nuôi heo. Thêm vào đó, do chế độ dinh dưỡng đặc biệt, chất lượng thịt heo HAGL cũng khác biệt hơn so với các sản phẩm trên thị trường.
Được biết, gần 80% giá thành của heo là ở khâu thức ăn và riêng chuối đã chiếm tỷ lệ khoảng 40% chi phí thức ăn đưa vào. Nhờ đó, giá thành nuôi heo của HAGL ở mức khoảng 35.000 đồng/kg heo hơi, rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường là 55.000 đồng/kg.
Với ngành chăn nuôi heo, dù chỉ mới bắt đầu tham gia vào mảng này trong vòng chưa đầy một năm nhưng trụ cột này đã nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của công ty khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu. Riêng tháng 11/2021, HAGL đã có lãi 17 tỷ đồng đối với mảng nuôi heo.
HAGL cũng đã xây được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Theo kế hoạch trong năm 2022, HAGL sẽ xây thêm 9 cụm chuồng trại với công suất hơn 1 triệu con heo mỗi năm. Trong số đó, sẽ có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm chuồng trại tại Campuchia.
Được biết, trước khi quyết định chọn trồng chuối và nuôi heo là là trụ cột chính của HAGL, Bầu Đức đã gặp không ít khó khăn trong mảng nông nghiệp do đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2012 trở về trước, mảng chính đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL đó là bất động sản.
Đến giai đoạn 2012-2015, do những khó khăn của thị trường bất động sản trong nước, Bầu Đức bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Ban đầu, ông đặt niềm tin vào cây công nghiệp như mía đường, cao su, cọ dầu... sau đó chuyển sang nuôi bò, trồng ớt… Đối với mảng mía đường, ông Đức đã bán cho Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành vào năm 2017 với giá 1.330 tỷ đồng.
Còn đối với cao su, Bầu Đức cũng từng có niềm tin rằng "bán nhà cũng phải trồng cao su. Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận của tôi sẽ là 450 triệu USD". Tuy nhiên khi đặt cược hết vào cây cao su thì giá cao su quốc tế hoàn toàn đi ngược với kỳ vọng của ông. Cụ thể, khi Bầu Đức bắt đầu rót vốn vào cao su giá bán trên thị trường thế giới khoảng 5.000 USD/tấn nhưng sau đó giá cao su liên tục lao dốc. Vào thời điểm cao su HAGL bắt đầu thu hoạch giá chỉ còn 1.650 USD/tấn. Giá cao su giảm mạnh làm cho những kỳ vọng ban đầu của Bầu Đức cũng không trở thành hiện thực.
Sau đó, Bầu Đức lại tiếp tục tìm những hướng đi khác như chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả thanh long, ớt… nhưng có vẻ hiệu quả vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Cập nhật kết quả kinh doanh, năm 2021, HAGL đạt doanh thu thuần là 2.230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, sau ba năm lỗ liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu có lãi trở lại. Về mục tiêu trong năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Riêng hai trụ cột chính là trồng chuối và nuôi heo thì “ông bầu phố núi” đặtt tham vọng là lợi nhuận nghìn tỷ đồng và doanh thu tỷ USD khi mở rộng quy mô.
Cũng tại đại hội cổ đông thường niên 2021 vào ngày 26-11, Bầu Đức cũng đã nói rằng "Tôi rất tự tin ngày hôm nay. Năm 2022 tôi tin những gì tôi chọn hôm nay là đúng hướng. Chuối đang tốt, giá đang lên và heo thì năm sau giá cũng sẽ lên, HAGL sẽ có kết quả kinh doanh rất tốt".
Với tình hình kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc như trên, có thể nói trồng chuối và nuôi heo đang là trụ cột chính giúp HAGL sau 10 năm trầy trật làm nông nghiệp bắt đầu trở lại vạch xuất phát. Tuy nhiên, liệu Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức có “huy hoàng” trở lại nhờ mô hình “một cây, một con” này không thì vẫn còn là một câu hỏi cần có quãng thời gian đủ lâu để có đáp án chính xác nhất. Bởi khi bắt đầu lĩnh vực nào mới Bầu Đức cũng là một người cực tự tin nhưng kết quả lại không như kỳ vọng, khiến ông lại phải có thời gian "lặn sâu" để cày trả nợ.