Đi tìm căn nguyên của nghịch lý trên thị trường xăng dầu

Nhóm Phóng viên

03/11/2022 12:16

Thị trường xăng dầu trong nước đang diễn biến phức tạp với nhiều nghịch lý mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều là “nạn nhân”.

Trước hết, đó là tình trạng thiếu hụt cục bộ khi phần lớn các cửa hàng bán lẻ đều không có đủ hàng để bán. Tỷ lệ này riêng tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Công thương (ngày 01/11/2022) đã lên tới 20%. Tiếp đến là mức chiết khấu (do đầu mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) quá thấp (0 đồng) khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi, thậm chí càng bán càng lỗ. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục “gồng mình” để giữ khách, tới lúc không thể chịu được nữa thì treo biển “nghỉ bán – nhập hàng”. Số khác thì chọn phương án kinh doanh “cầm chừng”, bán hàng “nhỏ giọt”, giới hạn khách mỗi lần mua chỉ được đổ 30.000-50.000 đồng (đối với xe máy); có nơi còn từ chối bán cho ôtô với lý do “không nhập đủ xăng”. Sau một vài lần điều chỉnh giá, tình hình vẫn chưa hề có dấu hiệu được cải thiện bởi các đại lý vẫn rất khan hàng. Ngoài ra, cho dù giá tăng song mức chiết khấu vẫn quá thấp khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Hiện tượng trên đã trở thành chủ đề tranh luận “nóng” trên nghị trường. Trao đổi với truyền thông bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 2/11, ông Trần Văn Lâm – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội – nhận định đây là hiện tượng bất thường vì ngay cả khi nguồn cung thế giới khan hiếm, giá xăng dầu tăng thì tình trạng cũng không tới mức phức tạp như vậy.

Giải trình tại phiên thảo luận về những vấn đề kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Tổng nguồn cung không hề thiếu bởi tính đến đầu tháng 10, cả nước đang có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, lượng dự trữ và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối). Trữ lượng này được đánh giá là “đủ” cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đến gần hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy còn đang tiếp tục sản xuất, nhập khẩu theo kế hoạch. Như vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những nghịch lý trên?. 

Trên báo chí Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhận định: nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Ông đặt câu hỏi: tại sao các nước không gặp phải tình trạng trên, còn Việt Nam lại bị mặc dù đã sản xuất được xăng dầu và hai nhà máy lọc dầu hiện đang chiếm gần 70% thị phần? “Sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương (về nguồn cung, hoạt động xuất nhập khẩu) và Bộ Tài chính (quản lý giá, chi phí, ...)   chưa được tốt”, ông Cường nói.

Nhưng cách lý giải trên dường như vẫn chưa thỏa đáng. Vấn đề mấu chốt có lẽ phải nằm ở những bất cập về mặt chính sách, cụ thể là với hai Nghị định 83/2014/NĐCP và 95/2021/NĐCP (sửa đổi từ NĐ 83).

Theo Khoản 4, Điều 18, Mục 4,  Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi tổng đại lý chỉ được “ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối. Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học”. Và theo Khoản 5, Điều 18, Mục 4, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP: “Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý khác hoặc thương nhân đầu mối khác.”

Còn theo Khoản 2, Điều 21, Mục 5, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi đại lý bán lẻ cũng lại chỉ “được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học”.

Và theo Khoản 3, Điều 21, Mục 5, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP: “Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác.”

Một số chuyên gia đánh giá quy định “kinh doanh theo hệ thống” như vậy là rất “phi thị trường” và làm triệt tiêu sự cạnh tranh dựa trên chi phí, giá cả. Lấy ví dụ: Trong trường hợp thương nhân phân phối để mức chiết khấu hấp dẫn hơn cho các tổng đại lý và đại lý bán lẻ thì những cơ sở này cũng không được phép mua bên ngoài hệ thống (bất chấp việc có hóa đơn, chứng từ đầy đủ), nếu làm trái thì bị xếp vào hành vi buôn lậu. Nhưng nếu mức chiết khấu thấp thì doanh nghiệp lại không thể kinh doanh có lãi. Để đối phó, doanh nghiệp khi ấy có thể buộc phải tìm đến nguồn hàng lậu (chỉ đăng ký bán trên hệ thống của Bộ Công thương cho đúng quy trình thủ tục).

Một hệ lụy “nhãn tiền” nữa từ quy định bất hợp lý kể trên là tình trạng khan hiếm cục bộ như những gì chúng ta đang được chứng kiến. Chính bởi sự ràng buộc “khắt khe” như vậy nên khi thương nhân phân phối và tổng đại lý khan hàng thì toàn bộ các đại lý bán lẻ cũng sẽ lâm vào cảnh không có xăng dầu để bán. Điều này, một lần nữa có thể lại càng tạo thêm động lực và đất sống cho hành vi buôn lậu.

Trong thời gian tới, rất có khả năng Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ giao toàn bộ việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu về cho Bộ Công Thương, bao gồm quyền quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung giữa các đầu mối, thương nhân phân phối và hệ thống bán lẻ lẫn cân đối chi phí. Tuy nhiên, cách tiếp cận và phương án như vậy có lẽ vẫn chưa đủ để vấn đề được giải quyết triệt để.

Nhóm Phóng viên