Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết qua quá trình rà soát, hậu kiểm đã phát hiện 2 thương nhân phân phối xăng dầu không có hoạt động liên quan đến xăng dầu. Đó là Công ty CP Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Phú tại tỉnh Hải Dương.
Kỳ lạ là Bộ Công Thương đã phải nhờ địa phương xác minh chỉ vì không thể liên lạc được với 2 doanh nghiệp này trước đó. Cụ thể, Bộ Công Thương có văn bản gửi đến 2 thương nhân phân phối xăng dầu nói trên, để thông báo về kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2022. Tuy nhiên, văn bản gửi cho Công ty CP Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội lại bị chuyển trả lại vì không có người nhận. Số điện thoại mà đơn vị này đã cung cấp trước đó ( khi thực hiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu) cũng không thể liên lạc được.
Để nắm bắt được tình hình của Công ty CP Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương bằng cách “đánh” văn bản gửi Sở Công Thương Hà Nội thực hiện xác minh, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện tại của doanh nghiệp này.
Đối với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Phú, Bộ Công Thương cũng không nhận được phản hồi từ phía công ty này sau nhiều tháng chờ đợi, tương tự, cũng không liên lạc được với đại diện công ty. Vì thế, Bộ Công Thương phải gửi văn bản đề nghị Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp kiểm tra. Đến ngày 10/10, công ty này gửi văn bản trình bày lý do cho biết vì khó khăn về mặt tài chính nên công ty đã tạm ngừng hoạt động từ quý II/2020. Từ đó, các hoạt động liên quan đến kinh doanh xăng dầu cũng bị đình trệ.
Cả hai doanh nghiệp này trong thời gian qua đều không cung cấp các báo cáo (hệ thống phân phối xăng dầu, xuất nhập tồn kho xăng dầu, quyết định giá bán xăng dầu... ), theo như tra soát của Bộ Công Thương.
Vụ thị trường trong nước đã thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp này. Được biết, các doanh nghiệp nói trên đã không duy trì được hệ thống và hoạt động kinh doanh, do kinh doanh thua lỗ, khó khăn tài chính và mong muốn trả lại giấy phép, đại diện Vụ Thị trường trong nước chia sẻ.
Cả nước hiện có 330 thương nhân phân phối xăng dầu. Về cơ bản, các thương nhân đều thực hiện gửi các báo cáo định kỳ trong suốt thời gian hoạt động về Bộ Công Thương để giám sát, theo dõi.
Thực tế cho thấy, vài ngày qua một số cây xăng tại TPHCM vẫn còn tình trạng "hết xăng", "còn dầu", dù phần lớn cây xăng tại đây đã khôi phục kinh doanh ổn định. Trong khi đó, nhiều hệ thống bán lẻ xăng dầu đã hoạt động dần ổn định, cải thiện nguồn cung, song mức chiết khấu hiện vẫn chỉ dao động 200-300 đồng/lít, con số rất thấp khiến các doanh nghiệp bán lẻ vẫn gặp nhiều khó khăn về chi phí kinh doanh.