Kết quả này dựa trên hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới do Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô lập, được hai tỉnh Quảng Bình (nay là Quảng Trị) - Khăm Muộn và Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào thống nhất, gửi tới UNESCO tháng 2/2024. Trong tiếng Lào, từ “Hin Nam No” có nghĩa là “núi đá vôi với những đỉnh nhọn như chồi cây”, ám chỉ cảnh quan rừng núi đá vôi dốc đứng với những đỉnh nhọn độc đáo hình thành từ quá trình tiến hóa địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm.
Ông Phạm Hồng Thái, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Thời gian qua hai bên đã tích cực với các hoạt động hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị chung về đa dạng sinh học, địa chất địa mạo. Nay hai vườn được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh ranh giới để có thêm diện tích mở rộng với tên gọi chung là “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”, thì hai vườn sẽ càng có điều kiện và cơ hội để phát triển về mọi mặt, trong đó có du lịch”.

Điều quan trọng là hai tỉnh đã thống nhất rà soát dữ liệu đường biên giới và mốc quốc giới, ở đoạn trùng với ranh giới của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô, để từ đó có kế hoạch quản lý chung di sản này. Theo hồ sơ của tỉnh Khăm Muộn, Vườn quốc gia Hin Nam Nô thuộc huyện Bualapha, chung biên giới với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Trị.
Hin Nam Nô có tổng diện tích hơn 82.000ha, là nơi ở của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 25 loài dơi, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá, hơn 520 loài thực vật... Có nhiều loài quý hiếm như chà vá chân đỏ, voọc đen má trắng, mang Vũ Quang, dơi quạ, dơi đốm hoa, dơi io, hồng hoàng, khướu đá mun... Hin Nam Nô do tương đồng với Phong Nha - Kẻ Bàng về mọi mặt nên có tiềm năng lớn về các loại hình du lịch hang động, mạo hiểm, sinh thái…
Cho đến nay, 173 hang động và vách đá cao tới 300 mét đã được phát hiện trong khu vực Vườn quốc gia Hin Nam No. Nhờ những đặc điểm trên, Vườn quốc gia Hin Nam No của Lào có mức đa dạng sinh học cao, là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật độc đáo, trong đó có nhiều loài chưa được phát hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Môi trường thiên nhiên tại đây cũng hình thành nơi cư trú lý tưởng cho các loài chim, động vật có vú, động vật bò sát và nhiều loài thực vật quý hiếm, thật sự là “kho báu thiên nhiên” của đất nước “Triệu Voi”.
Đặc biệt, phía đông của Vườn quốc gia Hin Nam No giáp với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một Di sản thế giới của Việt Nam. Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới lần này, UNESCO đã phê duyệt điều chỉnh ranh giới của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam No của Lào, với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No” trong Danh sách Di sản thế giới. Khu vực này cũng trở thành Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Một số hang động lớn đã được phát hiện và khảo sát, có khả năng đưa vào khai thác du lịch là hang Nangen, Vua, Trời, Konglor, Xebangpha… trong đó có hang động dài hơn 5km theo sông Xe Bangfai. Người dân bản địa hai bên biên giới tương đồng lối sống, do có sự giao thoa về văn hoá, đời sống và tập tục từ lâu đời nay.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng diện tích vùng lõi hơn 125.700ha. Theo số liệu năm 2023 của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thực vật bậc cao có mạch là 1.762 họ, 511 chi, 876 loài. Gần đây phát hiện thêm nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng cao như bách xanh đá, lan hài đốm, lan hài xanh, lan hài xoắn…

Có 140 loài thú lớn, 356 loài chim , 99 loài bò sát và lưỡng cư, 259 loài bướm, 162 loài cá, 47 loài ếch nhái. Với đặc trưng các kiến tạo đá vôi dày đặc, Phong Nha - Kẻ Bàng được ví là “vương quốc hang động”, với phát hiện và đo vẽ được 404 hang động lớn nhỏ. Hiện vườn có 15 tuyến, điểm du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá hang động, Camping, Trecking, Zipline...
Với những giá trị quý giá, mang tính toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới, từ nay Hin Nam Nô và Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ là một trong những di sản vùng núi đá vôi rộng lớn và đa dạng sinh học, địa chất địa mạo nhất thế giới. Khi trở thành di sản xuyên biên giới, vùng biên giới Việt - Lào ở khu vực miền Trung Việt Nam này càng của tình sâu nghĩa nặng Việt - Lào hai bên dãy Trường Sơn. Về du lịch, cũng sẽ có những điểm đến lớn có sức thu hút với du khách nước ngoài trong khám phá hang động, nghiên cứu địa chất địa mạo, đa dạng sinh học.. cũng như lập các tour du lịch xuyên biên giới. Khi đã tạo ra sức hút đó thì kinh tế, văn hoá, đời sống của người dân vùng biên giới Việt - Lào phát triển hơn.
Về tương lai phát triển của Hin Nam Nô và Phong Nha - Kẻ Bàng, tại hội thảo kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (2023) do tỉnh Quảng Bình (cũ) tổ chức, ông Khamkeo Latthayod, giám đốc Vườn quốc gia Hin Nam Nô, đã nói thì đây là cơ hội để cho Lào phát triển du lịch cùng với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hin Nam Nô và Phong Nha - Kẻ Bàng cùng hợp tác trong quy trình lập kế hoạch du lịch chung hoặc nhóm quản lý du lịch bền vững. Theo đó, sau khi được UNESCO công nhận, khu vực bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam No của Lào và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam có tổng diện tích 217.000ha, trở thành một trong những khu bảo tồn vùng karst (đá vôi) rộng lớn nhất thế giới. Theo những sảo sát của Việt Nam và Lào, hai bên biên giới của Quảng Trị và tỉnh Khăm Muộn hội tụ đủ các điều kiện và sự tương đồng để thành lập chung một di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới.

Năm 2020, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã cử đoàn chuyên gia gồm các thành viên ở Cục Di sản văn hóa, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cục Hợp tác quốc tế… sang hỗ trợ Lào hoàn thiện hồ sơ đối với Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Mới nhất là ngày 29/6/2024, tỉnh Quảng Bình (cũ) và Khăm Muộn đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện về du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị, cũng như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chung về khu vực di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới đầu tiên của Đông Nam Á, là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô.
Tính đến nay, Việt Nam có 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó, “Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam Nô” là di sản thế giới liên biên giới đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ di sản tự nhiên và khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.