Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Đức Sơn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước đang khẩn trương thực hiện công cuộc Đổi mới lần 2 để chuẩn bị thế và lực bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời hiệu triệu của Tổng bí thư Tô Lâm.
Riêng đối với thị trường chứng khoán, nâng hạng thị trường đang là một trong những nhiệm vụ chiến lược, được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý xác định là trọng tâm trong năm 2025 – năm bản lề để đưa thị trường Việt Nam vươn lên nhóm thị trường mới nổi.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 đã chỉ rõ: Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư là mục tiêu trọng tâm, trong đó nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cấp kiến thức và thông tin tuyên truyền là một trụ cột quan trọng.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cùng các thành viên thị trường, thì vai trò của báo chí – truyền thông cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến giữa năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tương đương hơn 55% GDP.
Như vậy, chúng ta thấy phát triển thị trường chứng khoán chính là động lực quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và ở mức “2 con số” trong giai đoạn tiếp theo. Vị trí, vai trò, tác động tích cực của thị trường chứng khoán là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, cải thiện năng lực quản trị và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn tầm khu vực và quốc tế.
Trong lộ trình đó, truyền thông nâng cao nhận thức của nhà đầu tư giữ vai trò hết sức quan trọng. Được biết, thời gian qua, ngành chứng khoán, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí và các đơn vị báo, đài trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, kịp thời phản hồi, xử lý khi có thông tin thiếu chính xác, xuyên tạc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng lưu ý, việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến các địa phương, tới cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đặt ra mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE Russell (tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu). Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2025.
"Quyết tâm đó đã được thể hiện rõ qua việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố lộ trình triển khai chi tiết, đồng thời thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã cam kết. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể. Hệ thống công nghệ thông tin mới, Hệ thống giao tiếp điện tử giữa các công ty chứng khoán và Ngân hàng lưu ký đã được hoàn thành, triển khai thành công, giúp nâng cao hạ tầng, đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt, thuận tiện hơn” - bà Phương cho biết.
Nhiều giải pháp quan trọng đã được đưa vào thực tiễn như cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua mà không yêu cầu đủ tiền trước; yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh; rút ngắn thời gian mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Song song với đó, Ủy ban đã thành lập nhóm đối thoại chính sách, thường xuyên trao đổi trực tiếp với các tổ chức xếp hạng, các quỹ đầu tư lớn, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Những giải pháp đã triển khai này được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức xếp hạng và các nhà đầu tư nước ngoài, ghi nhận và đánh giá cao. Đó là minh chứng rõ ràng cho cam kết hội nhập và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tiến trình nâng hạng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, doanh nghiệp, các công ty chứng khoán và chính nhà đầu tư. Uỷ ban đánh giá rất cao sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành thời gian qua, đã cùng tháo gỡ từng "nút thắt" để tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng.
Các công ty chứng khoán cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của nhà đầu tư quốc tế. Về phía các doanh nghiệp niêm yết cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng quản trị, công bố thông tin đầy đủ, song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, kịp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động và minh bạch tài chính.
“Hiện nay, tổng tài sản quản lý của ngành quỹ Việt Nam mới đạt khoảng 29 tỷ USD, tương đương 6% GDP. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước định hướng thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành quỹ đầu tư, hoàn thiện quy định pháp lý tạo điều kiện phát triển các loại hình quỹ mới, đa dạng hoá các loại hình quỹ. Đồng thời, nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ, mở rộng hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ trên nền tảng số, fintech; đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào chứng chỉ quỹ, góp phần giảm rủi ro đầu tư cảm tính và tạo dòng vốn dài hạn, bền vững cho thị trường. Việc phát triển ngành quản lý quỹ sẽ giúp tái cấu trúc dòng vốn, nâng cao chất lượng thị trường, dần đáp ứng các tiêu chí nâng hạng và duy trì vị thế mới” – bà Phương khẳng định.