Ngành ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0

Hạ Anh

16/07/2025 09:49

Ngày 16/7 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giao cho Tạp chí Một Thế Giới cùng Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”. 

Chương trình diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi mà đang trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển mình. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thông nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực.

nhan-luc-nganh-ngan-hang-pld-1752634038.jpg
Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng bày tỏ: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy một bức tranh thay đổi hoàn toàn, từ tiếp xúc trực tiếp đến cách thức quản trị, cách thức giám sát, nhân lực. Chúng ta đang phải thích ghi với thay đổi này”.

Ông Dũng cũng cho biết, hai năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đều tổ chức Hội nghị với tiêu đề hệ sinh thái số, năm nay là hệ sinh thái số thông minh. Ngân hàng không còn đứng riêng một mình, trong app ngân hàng đã mua được vé máy bay, đã xem được phương thức di chuyển của một chiếc taxi. Chúng ta thấy rằng hệ sinh thái, tính kết nối, tích hợp, tính liên thông giữa ngành ngân hàng với các ngành khác đang ở mức độ rất cao. Chúng ta sẽ hình thành nên những khái niệm mới đó là open banking, ngân hàng cũng phải hiểu biết nghiệp vụ của các ngành nghề kinh doanh khác. Nhân lực ngành ngân hàng cũng đang thay đổi theo hướng hệ sinh thái thông minh như thế.

pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-pham-tien-dung-pld-1752634038.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và nhân lực để thích nghi với thời đại công nghệ cũng như hướng đến hệ sinh thái số thông minh – Tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới.

Hệ sinh thái số thông minh trong ngành ngân hàng không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, mà còn là một mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng và các lĩnh vực doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với sự thay đổi mô hình hoạt động, vấn đề nhân lực cho ngành ngân hàng cũng được đặt ra. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng. AI và Big Data giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, đưa ra dự báo chính xác và thiết kế sản phẩm phù hợp từng cá nhân. Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng.

Từ đó, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều ngân hàng như LPBank, Vietinbank... liên tục cắt giảm hiện tại cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số. Chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sẽ theo hướng giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể thay thế bằng tự động hóa, gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn.

Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam, nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ và chuyên gia tài chính có trình độ quốc tế khiến cho tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao tại các ngân hàng bị chậm lại.

nganh-ngan-hang-chuyen-doi-so-pld-1752634038.jpg
Ngành ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0.

Theo TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, không chỉ Việt Nam mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang trải qua sự thay đổi lớn cả về tổ chức lẫn nhân sự. Nhiều vị trí công việc truyền thống trong ngân hàng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc, cơ sở dữ liệu thông minh và AI đảm nhiệm. Những công nghệ này không chỉ thực hiện được các nhiệm vụ vốn do con người đảm nhận, mà còn làm với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, và tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Từ đó, sẽ xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng trở nên dư thừa. Đây là một thực tế mà ngành ngân hàng buộc phải đối mặt và thích nghi.

“Vậy giải pháp là gì? Theo tôi, có nhiều hướng đi, nhưng một trong những giải pháp quan trọng ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số – ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu – nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.

Việc đào tạo này cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới” - TS. Trần Văn Tùng chia sẻ.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã tập trung làm rõ những nội dung như: Đào tạo nội bộ kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ; Xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt: bằng cấp thứ hai, chứng chỉ ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, học online, đào tạo theo năng lực cá nhân và vị trí công việc; Giữ chân nhân tài công nghệ...

Bên cạnh đó, phần hỏi đáp cũng là dịp để các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ chia sẻ, giải đáp và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình trong đào tạo nhân lực công nghệ sao cho phù hợp với phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.

Hạ Anh