Sáng 6-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 4 tiếp xúc trực tuyến cử tri quận 12 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Tham dự có các đại biểu: Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM; Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh kéo dài đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp tại TPHCM phải đóng cửa, giải thể, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể...
Ông Ngân cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) trong quý 3-2021 sụt giảm hơn 24,39%, còn tính chung 9 tháng 2021 thì sụt giảm 4,98%. Chưa bao giờ kinh tế TP sụt giảm đến mức như thế, là kỷ lục chưa từng có. TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước. TP khó khăn thì cả nước cũng khó khăn.
Thay mặt cho Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã thông tin đến cử tri về tình hình phòng chống dịch bệnh của TP.HCM và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM. Theo đó bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, TP cùng cả nước đang triển khai từng bước phù hợp để phục hồi sản xuất, kinh tế. Khó khăn kinh tế từ dịch bệnh đã đặt ra rất nhiều thách thức cho TP cũng như Chính phủ, khi rất nhiều khoản chi đầu tư, chi hỗ trợ, chi gói an sinh... song hành với việc chống lạm phát.
"Muốn tăng cường hỗ trợ, tăng cường gói an sinh xã hội thì phải có tiền. Tuy nhiên dịch bệnh làm cho kinh tế suy giảm, nguồn thu không có, thuế thì ngưng lại, chậm nộp... Việc này đặt ra yêu cầu cho Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, nhưng chặt chẽ để vừa bảo đảm hỗ trợ, an sinh xã hội nhưng vừa phải kiểm soát được lạm phát vì nếu xảy ra lạm phát thì chính sách hỗ trợ, an sinh cho người dân sẽ không có nhiều ý nghĩa" - ông Trần Hoàng Ngân phân tích.
Cũng theo ông Ngân, hiện nay TPHCM đang trong giai đoạn từng bước mở lại sản xuất nên quy mô sản xuất trong doanh nghiệp chỉ ở mức 50%, từng bước nới ra 70%, 80%, 90% để đảm bảo mật độ lao động trong doanh nghiệp. Cho nên, với các DN hiện nay khi mở cửa hoạt động trở lại chưa thiếu lao động, nhưng trong tương lai sẽ thiếu. Do đó, lãnh đạo TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các sở, ban, ngành TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long để khi mở rộng sản xuất đưa người lao động trở lại làm việc trên cơ sở đảm bảo an toàn, hỗ trợ tiêm vaccine, xét nghiệm.