Có thể sản xuất vaccine AstraZeneca, tại sao Thái Lan lại đi “vay” từ Bhutan và có thể "cướp" vaccine của Việt Nam và nước khác?

Nguyên Thảo

18/08/2021 11:30

Thái Lan là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có thể tự sản xuất vaccine AstraZeneca từ đầu tháng 6-2021. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt và sẽ đạt con số 1 triệu vào cuối tuần này. Tình thế cấp bách buộc nước này phải vay mượn 150.000 liều AstraZeneca từ Bhutan và có thể ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine, ảnh hưởng đến đơn mua 30 triệu liều AstraZeneca của Việt Nam và nhiều nước khác.

Chuẩn bị sớm, nhưng rồi lại thiếu

Cuối tháng 11 năm ngoái, chính phủ Thái Lan đã ký thỏa thuận trị giá 200 triệu đô la để mua 26 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Dự kiến, số vaccine này sẽ được giao vào giữa năm 2021. Sau số lượng được nâng lên thành 61 triệu liều, nhưng đã có những tranh luận gay gắt giữa chính phủ và AstraZeneca về thời gian giao nhận và số lượng. 

Trước đó Bộ Y tế Thái Lan, Công ty Siam Bioscience và tập đoàn kinh doanh SCG cũng đã ký một ý định thư với AstraZeneca. Theo đó, thỏa thuận này cho phép Siam Bioscience bắt đầu sản xuất vaccine (AZD1222) tại nhà máy ở quận Pathum Wan của Bangkok. Lúc đó, chính quyền Thái Lan đã tự hào rằng họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á sản xuất vaccine này. 

5301a-jamesteague-1629225734.jpg

Ông James Teague - Chủ tịch của AstraZeneca Thailand – tại buổi lễ ký kết cung cấp 26 triệu liều vaccine hôm 27-11-2020 tại Bangkok. Ảnh: AP

Đợt bùng dịch thứ ba bắt nguồn từ các điểm giải trí dành cho giới thượng lưu ở Bangkok hồi tháng 4, rồi lan ra cả nước. Số ca nhiễm mới dao động 2.000 – 3.000 ca mỗi ngày hồi tháng 4, đã tăng khôn dừng và lên đến hơn 20.000 ca mới mỗi ngày trong tuần rồi. Hơn 200 ca tử vong mỗi ngày, nhiều người mất trên đường phố, không kịp đưa đi cấp cứu. Nhà ga mới chưa sử dụng của sân bay quốc tế Suvarnabhumi được cải biến thành bệnh viện dã chiến 5.000 giường từ đầu tháng 8… Các bệnh viện đều quá tải, khu điều trị và cả nhà xác.

Hôm qua 17-8, chính phủ Thái Lan nói sẽ thảo luận với Bhutan để mượn tạm 150.000 liều AstraZeneca. Đây là nỗ lực nhằm bịt lỗ hổng trong chiến dịch tiêm chủng đầy rối loạn. Hiện Thái Lan mới tiêm được đầy đủ cho 7,1% dân số và số ca mới hàng ngày dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào tháng tới. Ngược lại, với dân số chưa tới 1 triệu người, Bhutan bắt đầu tiêm chủng vào tháng 3 và đã tiêm hơn 1 triệu liều. Hiện tại Bhutan có 3.000 người mắc và 3 ca mắc tử vong.Trước đó, nhà cầm quyền và giới trí thức Thái Lan đã công khai những ý kiến thực thi luật dự trữ vaccine. Hôm 10-7, Prasert Auewarakul – phó trưởng khoa phụ trách nghiên cứu của Khoa Dược thuộc Bệnh viện Siriraj nói rằng Thái Lan cần dự trữ sẵn ít nhất 10 triệu liều AstraZeneca mỗi tháng trong ba tháng tới. “Ba tháng tới là giai đoạn vô cùng quan trọng để Thái Lan khống chế dịch”, ông Prasert nói.

aseancovidchart-17aug2021-1629225806.jpg

Thái Lan sẽ đạt cột mốc 1 triệu ca nhiễm Covid-19 vào cuối tuần này. Đồ họa: The Asean Post

Đấu đá phe phái, không hợp tác chống dịch

Thất bại trong đối phó với đợt sóng mới Covid-19 là kết quả của tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ giữa các cơ quan chống dịch, cũng như kế hoạch tồi tệ trong mua sắm và phân phối vaccine.

Thái Lan có ba cơ quan chính chịu trách nhiệm về chống dịch: Trung tâm điều phối chống dịch Covid-19 (CCSA), Bộ Y tế công cộng và Văn phòng Đô trưởng Bangkok. Mỉa mai thay, cả ba nơi này không phối hợp mà kèn cựa, bóc phốt lẫn nhau. CCSA do Thủ tưởng quản. Bộ Y tế công dưới quyền của Bộ trưởng Anutin Charnvirakul, cũng là thủ lĩnh của đảng Bhumjaithai. Còn Đô trưởng Bangkok Aswin Kwanmuang do ông Prayuth bổ nhiệm.

Dưới trướng thủ tướng, nhưng Đô trưởng Aswin dường như đánh cược thành công của sự nghiệp chính trị cá nhân vào đợt dịch này. Ông sẽ tái cử cho chức vụ này vào cuối năm nay. Còn Thủ tướng Prayuth và Bộ trưởng Anutin cũng có các tính toán tương tự trong đầu, bởi họ có thể đối đầu trong việc giành ghế thủ tướng. Xung đột giữa Văn phòng Đô trưởng Bangkok và Bộ Y tế công trong phòng chống dịch cũng khiến Bangkok khó hồi phục hơn. Trong khi Đô trưởng Bangkok ưu tiên tiêm chủng tại các điểm bùng dịch, thì Bộ Y tế lại muốn phân phối vaccine đồng đều tới tất cả các khu vực.

Sự bất đồng giữa Bộ Y tế công và trung tâm CCSA cũng làm dân chúng hoang mang. Bộ trưởng Anutin ủng hộ người dân có thể đến và tiêm ở bất cử điểm tiêm nào, nhưng CCSA của Thủ tướng Prayuth đảo ngược chính sách này và bắt phải đăng ký trực tiếp. Rồi ông Anutin lại cùng Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob mở trung tâm tiêm vaccine ngay tại nhà ga chính Bang Sue Grand Station ở trung tâm Bangkok. Điều này giống như “cái tát để thị uy” trước mặt ông thủ tướng.

Mâu thuẫn giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền không phải là vấn đề duy nhất. Một rạn nứt khác là chính sách mua vaccine thiếu minh bạch và đầy mâu thuẫn, khiến Thái Lan không thể mua được các loại vaccine khác ngoại trừ Sinovac và AstraZeneca. Chính phủ đưa ra các thông báo đầy nhiễu loạn về khi nào có vaccine, khiến công chúng nổi giận, đặc biệt là khi có các ca tử vong đầu tiên khi tiêm Sinovac. Rồi cơ quan CCSA lại bốn lần điều chỉnh kế hoạch từ đăng ký, đến địa điểm và ngày giờ khiến mọi người thêm phờ phạc. 

Mâu thuẫn giữa CCSA và Bộ Y tế công càng lộ rõ trong đợt chuẩn bị thông qua dự thảo ngân sách 2022 với 3.100 tỷ baht, khoảng 94 tỉ đô la. Đảng Bhumjaithai của ông Anutin đã phê phán chính phủ đã cắt giảm ngân sách của ngành y tế và giảm quyền hạn của ông Anutin trong điều phối chống dịch để chuyển giao cho ông Prayuth. Các đảng viên Bhumjaithai đang thúc giúc ông Anutin chơi “tháu cáy” để liên minh cầm quyền của ông Prayuth tan vỡ, còn ông bay chức thủ tướng.

Các mâu thuẫn giữa các đảng trong liên minh ngày càng trầm trọng và có thể bùng vỡ trong những tháng tới. “Mỗi đảng phái đều cố tận dụng dịch bệnh như công cụ để giành phiếu và lợi thế chính trị trong mùa bầu cử tới. Và đến lúc này, sự rạn nứt chính trị và các sai lầm trong phòng chống dịch có thể giúp phe đối lập trong cuộc đua sắp tới”, trang phân tích chính trị Đông Nam Á Fulcrum bình luận.

bangkoktesting-1629227067.jpg

Các đợt xét nghiệm diện rộng trên toàn Bangkok có sự tham gia của quân đội. Số ca nhiễm ở Thái Lan đã lên vượt quá 15.000 ca trong ngày 26-7 và dự báo có thể vượt mốc 30.000 ca sau hơn tuần nữa. Ảnh: Reuters

Thái Lan sẽ "cướp" vaccine của láng giềng?

Hồi tháng rồi, vụ đôi co giữa chính phủ Thái Lan và AstraZeneca khiến toàn cầu chú ý.

Chính phủ tuyên bố rằng hãng dược cam kết có đủ 10 triệu liều mỗi tháng. Trong khi đó, AstraZeneca lại nói rằng chỉ có thể cung cấp 5-6 triệu liều mỗi tháng, tức 1/3 năng lực sản xuất của liên doanh giữa AstraZeneca và hãng Siam Biosciences. 

AstraZeneca nói 2/3 năng lực còn lại của hãng phải được phân phối theo thời hạn và số lượng đã ký với khách hàng từ nay đến cuối năm. Cụ thể là: Indonesia 50 triệu liều, Việt Nam 30 triệu liều, Philippines 16,5 triệu liều, Đài Loan 10 triệu liều và Malaysia 6,4 triệu liều. Do thiếu vaccine, chính quyền quân đội của tướng Prayuth có thể ra lệnh cấm xuất khẩu để “cướp” hàng của các nước khác.

AstraZeneca đang ra sức trấn an khách hàng châu Á của mình rằng hãng sẽ cố gắng huy động nguồn vaccine trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Trong tình trạng khan hiếm toàn cầu hiện nay, và khi tình hình dịch ở xứ chùa vàng tệ hơn trong ba tháng tới, không có thể bảo đảm chắc 100% rằng chính quyền của Thủ tướng Prayuth "sẽ không làm liều".

Có thể ông sẽ nói rằng đó là để bảo toàn sinh mạng cho công dân Thái, nhưng lại chính là bảo vệ sinh mạng chính trị của ông. 

---

Do ảnh hưởng của đợt dịch thứ ba, hãng đánh giá tín dụng Tris Rating đã hạ mức tăng GDP của Thái Lan xuống còn 1% trong năm 2021, thấp hơn con số 2,6% đưa ra vào tháng 2 vừa rồi. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn khuyến cáo ngành công nghiệp ngân hàng chuẩn bị cho một năm đầy bất định. Tổ chức Thị trường Tài chính Thái Lan (Fetco) thúc giục chính phủ tăng các gói cứu trợ kinh tế, nâng hạn trần nợ lên 70-75% GDP để vay mượn từ 700 triệu đến 1 tỉ baht để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) nói lệnh giới nghiêm gia hạn đến cuối tháng 9-2021 sẽ gây ra thiệt hại kinh tế 100 tỉ baht.

Nguyên Thảo