Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1992, sau khi cổ phần hóa vào năm 2010 công ty vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.
NDN được biết đến là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các khu tái định cư của thành phố Đà Nẵng. Tên tuổi của doanh nghiệp gắn liền với các dự án BĐS như Chung cư DaNang Plaza, Chung cư Lapaz Tower, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy…
Tuy nhiên, NDN tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư khi có một danh mục đầu tư chứng khoán rất lớn. Việc dành khoản tiền đáng kể để đầu tư cổ phiếu đã được công ty duy trì thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.
Với việc thực hiện cơ cấu mạnh các khoản đầu tư của mình đã giúp cho NDN "hái quả ngọt" trong thời gian qua khi mảng kinh doanh chứng khoán đã mang về cho doanh nghiệp các khoản lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Và khoảng lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đã đóng góp nguồn thu chính cho NDN, còn mảng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Song, do nhiều biến động tiêu cực trên thị trường thời gian gần đây đã khiến cho “thiên đường lợi nhuận” từ hoạt động mua bán chứng khoán của NDN bị nhấn chìm khi nhóm cổ phiếu các ngành ngân hàng, y tế, nhiệt điện, bất động sản… liên tục lao dốc không phanh.
Cụ thể, trong BCTC quý 2/2022 vừa được NDN công bố mới đây cho thấy, lần đầu tiên doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 110 tỷ đồng kể từ khi niêm yết. Khoản lỗ trong quý 2 kéo kết quả 6 tháng đầu năm của NDN lỗ gần 91 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng).
Theo đó, trong quý 2/2022 NDN chỉ ghi nhận doanh thu thuần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 185 tỷ đồng. Đối với hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào.
Trên thị trường chứng khoán, thành tích đầu tư của của NDN cũng bết bát không kém. Theo đó, doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi gần 360 triệu đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lỗ trong kỳ lại hơn 52 tỷ đồng. Khoản lỗ từ đầu tư cổ phiếu khiến chi phí tài chính của NDN đội lên gần 129 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.
Theo BCTC quý 2/2022, danh mục đầu tư chứng khoán của NDN tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng là: Ngân hàng TMCP SG-HN (mã SHB); Ngân hàng Techcombank (mã: TCB) và Ngân hàng TMCP An Bình (mã: ABB).
Tính tới cuối quý 2/2022, NDN đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán là 310,61 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 90,4 tỷ đồng và giá trị tài sản hợp lý còn 220,4 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý đầu tư 124,1 tỷ đồng vào cổ phiếu SHB và trích lập dự phòng 46,4 tỷ đồng; đầu tư 59,2 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB và trích lập dự phòng 18,3 tỷ đồng; đầu tư 19,1 tỷ đồng vào cổ phiếu ABB và trích lập dự phòng gần 6 tỷ đồng.
Bên cạnh khối ngân hàng, NDN còn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Cụ thể, NDN rót 88,8 tỷ đồng vào cổ phiếu VHM và trích lập dự phòng gần 18 tỷ đồng; đầu tư vào 8,1 tỷ đồng vào cổ phiếu Công ty CP Sữa Việt Nam và trích lập dự phòng hơn 900 triệu đồng; NDN còn đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng vào cổ phiếu QTP và trích lập dự phòng hơn 160 triệu đồng…
Theo mục tiêu đề ra, trong năm 2022, NDN đặt kế hoạch tổng doanh thu 358,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 107,2 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm, NDN còn cách rất xa kế hoạch lãi trong năm tài chính 2022.
Theo các nhà đầu tư nhận định, việc NDN gia tăng danh mục đầu tư tài chính thời gian qua sẽ ẩn chứa rất nhiều yếu tố rủi ro khi bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 được đánh giá sẽ khó khăn hơn rất nhiều với những đợt biến động sụt giảm giá mạnh. Chẳng hạn, thị giá nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư đầu quý của NDN như SHB, TCB, ABB… đã giảm liên tục trong thời gian gần đây.