Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do Covid 19 xuất hiện ở 35 tỉnh, thành trên cả nước, nhiều địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh buộc phải giãn cách xã hội, các hoạt động vận chuyển hành khách nói chung, vận chuyển bằng đường sắt nói riêng bị hạn chế nên lượng khách đi tàu giảm mạnh rõ rệt.
Cụ thể, trong đợt lễ 30/4 và 1/5 đã có gần 11.500 vé đường sắt bị người dân trả lại. Vì ảnh hưởng của đại dịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã cắt giảm nhiều chuyến chạy tàu. Cụ thể, trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ lên đến 393 đoàn, trong đó số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn. Hệ quả, nhiều lao động không có việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng….
Do đó, ngoài kiến nghị được vay 800 tỷ đồng với lãi suất 0%, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ cho khoảng 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm của mình.
Tính ra, không chỉ ngành đường sắt mà trước đó ngành vận tải hàng không cũng đối diện với những khó khăn mang tên Covid 19, trong đó, điển hình là câu chuyện “đối diện” với phá sản của Vietnam Airlines nếu như không có nguồn tài chính bổ sung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian quan, điều dễ nhận thấy là những đơn vị vận chuyển hành khách như hàng không, đường sắt và đường bộ rơi vào tình huống thu không bù đủ chi, dẫn đến thua lỗ như một hệ quả tất yếu và để có thể duy trình hoạt động, những đơn vị này, chẳng còn cách nào khác là kêu cứu lên trên vì bên dưới còn có hàng chục ngàn lao động đang gặp khó khăn, bị cắt giảm việc làm do đại dịch.
Cũng may, sau khi “kêu cứu” Hãng hàng không quốc gia đã được ba ngân hàng cam kết cho vay 4.000 tỷ đồng để có nguồn tài chính nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt.