Top 20 doanh nghiệp vay nợ lớn trên thị trường chứng khoán

Theo Doanh nghiệp niêm yết

18/11/2021 14:54

Các tập đoàn như Vingroup và Hòa Phát có giá trị nợ vay lớn nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của các đại gia này lại thấp hơn nhiều doanh nghiệp khác.

4040-doanh-nghiyp-0
Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp vay nợ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Tại ngày 30/9 năm nay, tổng dư nợ của 20 doanh nghiệp có nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là khoảng 626.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) dẫn đầu với gần 129.000 tỷ, lớn hơn hai doanh nghiệp đứng ngay sau là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cộng lại. Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) xếp thứ 4 với tổng vay nợ hơn 56.000 tỷ.

Tuy nhiên, 4 doanh nghiệp trên có quy mô tài sản rất lớn nên việc vay nợ nhiều cũng là việc bình thường. Tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn của Vingroup, Hòa Phát, Masan và Novaland vẫn còn đứng sau nhiều ông lớn khác.

4247-doanh-nghiyp-1
Không kể các ngân hàng do khác biệt về loại hình kinh doanh và cấu trúc báo cáo tài chính.

Dẫn đầu về tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản là hai công ty cùng ngành Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và Chứng khoán HSC (Mã: HCM).

Một trong những nghiệp vụ cốt lõi của các công ty chứng khoán là cho khách hàng vay ký quỹ (margin) để mua cổ phiếu nên việc các công ty đi vay nhiều để bổ sung nguồn vốn là điều thường thấy.

Tổng Công ty Phát điện 3 (Mã: PGV) vay tổng cộng hơn 45.000 tỷ đồng, tương đương 63,9% tổng tài sản. Trong đó, đại đa số đều là vay lại từ công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các khoản vay đa phần có kỳ hạn dài, thời gian đáo hạn gần nhất là năm 2026 và xa nhất là năm 2034.

Nhu cầu vay nhiều vốn dài hạn này xuất phát từ các dự án lớn mà Tổng công ty triển khai như Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp.

Bên cho EVN vay (sau đó EVN cho PGV vay lại) là các tổ chức nước ngoài gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Loại tiền vay cũng là các ngoại tệ như USD, nhân dân tệ, yen Nhật.

Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV hiện đang đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM. Tổng công ty này mới đây đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). EVN hiện vẫn kiểm soát trên 99% vốn điều lệ của PGV.

Hai doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản cao tiếp theo đều thuộc ngành xây dựng, đó là CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII).

CII chủ yếu vay các nhà băng trong nước như VPBank (Mã: VPB), HDBank (Mã: HDB), BIDV (Mã: BID), VietinBank (Mã: CTG), ... Ngoài ra công ty còn phát hành gần 6.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn dài.

Hòa Phát dẫn đầu về vay ngắn hạn

Xét riêng vay ngắn hạn, Tập đoàn Hòa Phát vượt xa các doanh nghiệp khác với dư nợ gần 43.400 tỷ đồng. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Chứng khoán SSI và Tập đoàn Vingroup.

Một số doanh nghiệp lớn vay ngắn hạn chỉ vài trăm tỷ đồng. Nguyên nhân là đa phần nợ đều có kỳ hạn dài trên 12 tháng. Ví dụ với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV), vay ngắn hạn chỉ chưa đầy 380 tỷ nhưng vay dài hạn lên tới trên 14.000 tỷ.

4309-doanh-nghiyp-2
 

Hòa Phát vay ngắn hạn nhiều nhất nhưng cũng là doanh nghiệp sở hữu khối tiền mặt và tiền gửi (đầu tư tài chính kỳ hạn dưới 12 tháng) khủng nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm 30/9/2021.

Giả sử Hòa Phát dùng toàn bộ tiền để trả hết vay ngắn hạn thì dư nợ còn lại chỉ là khoảng 8.500 tỷ đồng. Vì vậy, Chủ tịch Trần Đình Long đánh giá cơ cấu nợ của Hòa Phát là khá an toàn.

Một số doanh nghiệp nhiều tiền mặt khác như Vinhomes, ACV hay FPT còn có thể trả hết nợ vay ngắn hạn mà vẫn còn dư ra hàng nghìn tỷ đồng.

 

4324-doanh-nghiyp-3

Theo Doanh nghiệp niêm yết