Thế khó của Huawei

dang.pham

20/05/2019 11:55

Trước nguy cơ cấm vận kỹ thuật từ cuộc chiến tranh thương mại, thế giới một lần nữa nhìn nhận sức mạnh nội lực của công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc khi đối đầu với tâm bão.

Trong cuộc họp ở Bắc Kinh diễn ra trong những ngày trung tuần tháng năm vừa qua, khi chụp bức hình cho tôi và một học giả Trung Quốc, người chụp hình là một nữ giáo sư, đã hồ hởi nói về chiếc di động mà bà đang cầm: điện thoại Huawei chụp đẹp lắm, màu ảnh rất chân thực. Cuộc nói chuyện tiếp đó giữa hai giáo sư quý mến là: “Chị đúng là thánh đổi điện thoại”- “Anh nên dùng Huawei đi, dùng Huawei là yêu nước”. Cuộc nói chuyện đó có thể là ngẫu nhiên. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời để tôi tìm hiểu về Huawei và các vấn đề mà hệ thống công nghệ sáng tạo của Trung Quốc phải đối diện nếu Mỹ tiến tới ngăn chặn Huawei tiếp cận thị trường Mỹ.

Với tôi, sự lo lắng dành cho Huawei không đến khi Mạnh Vãn Chu, con gái của chủ tịch Huawei và là CFO, từng bị bắt ở Canada. Sự kiện đến khi tổng thống Trump ký sắc lệnh gần như là “cấm cửa” Huawei bán hàng sang Mỹ, nhưng đáng lo hơn, cấm Huawei mua hàng từ Mỹ. Điều này gợi nhớ đến sự khốn đốn mà ZTE đã trải qua hồi tháng 4.2018, khi mà lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc công ty phải “thay máu” toàn bộ hội đồng quản trị. ZTE phải nộp phạt cho chính phủ Mỹ 1,2 tỉ USD. Huawei thì uy nghi hơn ZTE. Nhưng chưa biết công ty này sẽ phản ứng ra sao với lệnh cấm vận kỹ thuật mới giáng xuống. Câu hỏi quan trọng hơn là: Đối diện với lệnh cấm này, Huawei mạnh đến cỡ nào?

Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei - Ảnh: Shutterstock
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei - Ảnh: Shutterstock

Bước tiến thần tốc của các hãng công nghệ viễn thông và IT Trung Quốc

Thời gian qua, thế giới chứng kiến sự tăng tốc chóng mặt của các công ty trong lĩnh vực viễn thông và IT (cả phần cứng và phần mềm) của Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc có bảy công ty nằm trong nhóm 20 công ty internet có giá trị lớn nhất thế giới. Trước đó năm năm, con số này chỉ vẻn vẹn là hai.

Trong một hình dung về lĩnh vực internet, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ông muốn các công ty internet của mình định hình toàn bộ nền kinh tế số của quốc gia với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tạo ra ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn hơn. Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là xây dựng được một Con đường tơ lụa kĩ thuật số (DSR) – song song với con đường tơ lụa trên biển và trên bộ. Đáp lại lời kêu gọi đó những gã khổng lồ nội địa như Huawei, Alibaba, Tencent hay ZTE đã vươn mình ra khắp nơi và mở rộng hoạt động.

Khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố về chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025) vào năm 2015, nước này đã có một kế hoạch tập trung và giàu hoài bão. Riêng trong lĩnh vực di động và viễn thông có hai ngành mà Trung Quốc muốn làm chủ công nghệ và đi đầu thế giới. Đó là sản xuất chip điện thoại và mạng 5G.

Về sản xuất chip điện thoại, do chưa làm chủ được công nghệ này, Trung Quốc tích cực tiếp cận theo con đường M&A. Vào tháng 11.2017, Broadcom, một công ty có trụ sở ở Hong Kong đã ra giá khoảng 105 tỉ USD để mua lại Qualcomm – công ty sản xuất chip điện thoại quan trọng của Mỹ. Qualcomm sau đó từ chối vì cho rằng 105 tỉ USD là mức giá quá thấp so với giá trị thực tế của họ. Broadcom đáp lại bằng cách tăng giá lên 121 tỉ USD. Qualcomm tiếp tục lắc đầu và cuối cùng giá trị thương vụ được đẩy lên đến 160 tỉ USD. Thương vụ này sau đó bị chính tổng thống Trump bác bỏ.

Về viễn thông 5G, Trung Quốc còn tiến xa hơn. Quốc gia này đã xây dựng 300.000 cột thu phát 5G trong khi Mỹ chỉ xây được vỏn vẹn 1/10 số đó. Huawei là con át chủ bài trong đại kế hoạch 5G. Nếu toàn bộ mảng viễn thông có ba chuỗi gồm: cung cấp dịch vụ từ máy chủ, tiếp sóng vô tuyến và bán lẻ thiết bị người dùng thì Huawei đã lọt vào top dẫn đầu của cả ba chuỗi đó. Điều đáng sợ là ít có hãng viễn thông nào lại làm cùng lúc cả ba chuỗi như Huawei - một quy mô khổng lồ. Năm 2017, Huawei xếp sau Ericson về thị phần Evolved Packet Core (LTE) và xếp thứ hai sau Cisco về thị phần Service Provider Router and Ethernet Switch (SPRES). Trong lĩnh vực cung cấp thiết bị kết nối vô tuyến (RAN), Huawei chiếm 31% thị phần toàn cầu, xếp thứ nhất. Còn về thị trường điện thoại di động Huawei cũng chiếm 16% thị trường điện thoại di động, lớn hơn Apple (12%), và chỉ xếp sau Samsung (21%) vào năm 2017. Chính điều này đã làm Mỹ giật mình.

Vẫn chưa đủ khi người Mỹ bắt đầu nhận ra

Một số đặc điểm nổi bật trong chính sách sáng tạo và sáng chế tại Trung Quốc bao gồm: trợ giá cho doanh nghiệp bản địa, thiết lập các rào cản phi kĩ thuật, thay đổi môi trường kinh doanh, bắt buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi kinh doanh tại Trung Quốc. Ngoài ra còn có việc sử dụng cơ chế hành chính để dẫn dắt quá trình sáng chế, xây dựng các mô hình “vườn ươm” và “thí điểm” để phục vụ một chính sách công nghệ cụ thể. Chương trình nghiên cứu phát triển bán dẫn, một trọng tâm quan trọng để sản xuất chip điện thoại gần nhất của Trung Quốc, có trị giá tới 108 tỉ USD và được cấp vốn hoàn toàn từ chính phủ. Đây là lần thứ ba Trung Quốc cố gắng để có các ngành công nghiệp phát triển với sức mạnh nội sinh.

Được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính phủ theo mô hình “top-down” (đi từ cấp trên xuống), MIC 2025 mang đặc tính của một quyết tâm chính trị thay vì chiến lược được dẫn dắt bởi động lực kinh tế thị trường. Tham gia vào thị trường này đều phải là các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính phủ, kể cả doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 95/100 doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất và 8/10 công ty internet lớn nhất Trung Quốc đều do một cựu thành viên của tổ chức chính trị trung ương hoặc địa phương kiểm soát. Mỹ đương nhiên không muốn nhìn thấy cách chơi này cũng như kết quả mà cách chơi ấy mang lại. Vì vậy, các chính sách nhất quán đối phó với ZTE và Huawei đã được ban hành và tăng dần.

Tháng 8.2018, Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mới (NDAA). Mục 889 của Đạo luật này cấm chính phủ liên bang mua hoặc gia hạn hợp đồng với bất cứ thể chế nào sử dụng thiết bị, hệ thống hoặc dịch vụ viễn thông của hai công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei. Tháng 5.2019, Tổng thống Trump ký một sắc lệnh và Bộ Thương mại Mỹ công bố một “danh sách đen” đều nhắm vào Huawei và ZTE cấm các hãng này mua sản phẩm từ công ty Mỹ. Giả định các sản phẩm đó chủ yếu là chip điện thoại, hãy tưởng tượng điều đó gây khó khăn cho Huawei như thế nào.

Google ngừng hợp tác với Huawei - Ảnh: Shutterstock
Google ngừng hợp tác với Huawei - Ảnh: Shutterstock

Sản xuất chip - Trung Quốc còn ở rất xa

Sản xuất các loại chip và các sản phẩm bán dẫn có bốn khâu quan trọng: thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử lại rồi đóng gói. Có hai mô hình sản xuất chính. Thứ nhất là các doanh nghiệp làm hết từ A- Z (được gọi là IDM). Thị phần của Mỹ hiện là 51% và Trung Quốc là 0%. Hai là nhóm các doanh nghiệp thiết kế tại công ty mẹ (gọi là “fabless”). Trong phân khúc này các doanh nghiệp Mỹ chiếm 62% thị phần và Trung Quốc chiếm 10%. Sau khi fabless thì sản phẩm được thuê ngoài để chế tạo (gọi là “foundry”) còn hai khâu còn lại được gọi là “OSAT”.

Như vậy, với hai phân khúc quan trọng nhất, liên quan đến sáng chế, sáng tạo, hay nói nôm na là việc tự sản xuất được một con chip điện thoại thì Mỹ đang chiếm 51% thị phần ở loại hình “làm tất ăn cả” và 62% thị phần ở loại hình thiết kế chip tại nhà máy mẹ rồi mới xuất thiết kế ra để chế tạo ở bên ngoài. Trung Quốc ở đâu trên hành trình này? 10% so với 62% fabless của Mỹ. Đó là lý do mà Nhân dân Nhật báo đã có quan điểm thẳng thắn rằng: không hiểu các doanh nghiệp viễn thông sẽ làm gì nếu 90% chip vẫn phải nhập khẩu?

Khi Huawei bị cấm ở Mỹ, đương nhiên các doanh nghiệp công nghệ của châu Á sẽ rất rất kém vui. Vào ngày Mạnh Vãn Chu bị bắt, một công ty sản xuất chip điện thoại ở Đài Loan có trụ sở ở TP.HCM đã tổ chức buổi họp cho toàn thể nhân viên kĩ thuật và lãnh đạo của mình để một giáo sư đến giảng cho họ nghe về “thương chiến”. Đơn giản, Huawei bị ảnh hưởng thì doanh thu của công ty sẽ sụt giảm theo số đơn đặt hàng giảm từ chính Huawei.

Để “tự túc” được sản xuất và tiêu thụ chip, Trung Quốc đã phải “đốt cháy giai đoạn” hoàn thành chương trình đầy tham vọng “Made in China 2025”. Số liệu báo cáo mới nhất năm 2019 mà VCES (Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR) có được cho thấy, so với năm 2015, mục tiêu điều chỉnh của năm 2017 về quy mô trong nước của ngành bán dẫn đến năm 2020 tăng 65% so với mục tiêu ban đầu.

Mức tiêu thụ nội địa được đáp ứng bởi các nhà sản xuất trong nước vào năm 2020 phải tăng 14 điểm phần trăm so với mục tiêu năm 2015. Ngoài ra, quy mô công nghiệp bán dẫn trong nước đến năm 2030 phải tăng 67%. Cuối cùng là tiêu thụ nội địa được đáp ứng bởi các nhà sản xuất trong nước vào năm 2030 phải tăng thêm năm điểm phần trăm. Đây là một con số quá tham vọng nếu biết năm 2015, quy mô thị trường ngành bán dẫn Trung Quốc chỉ đạt 57 tỉ USD.

Ứng dụng 5G cho mục đích thương mại hoá: xa mãi Á châu

Dù khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ là nơi có số thiết bị 5G cao gấp đôi so với Bắc Mỹ vào năm 2022, khu vực này lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 422 triệu thiết bị thực tế hoạt động trong mạng 5G toàn thế giới. Bắc Mỹ sẽ chiếm phần lớn nhất với 9% thị phần toàn cầu, khoảng 6,5%, sẽ nằm ở Tây Âu, châu Á chỉ chiếm 4%.

Sau lệnh cấm kép ngày 15.5, Huawei từng có tuyên bố rằng: “Huawei là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực 5G. Chúng tôi đã và sẽ sẵn sàng làm việc với chính phủ Mỹ để đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh cho sản phẩm”. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận như việc báo cáo khách hàng đã chỉ ra: “Nước Mỹ đã thực hiện những bước khởi đầu tốt trong việc thay đổi chính sách hỗ trợ cho triển khai 5G, và khi chúng tôi nhìn ra phần còn lại của thế giới, những thay đổi chính sách như những gì chúng tôi thấy ở Mỹ vẫn chưa diễn ra”. Sự thay đổi trong chính sách của các nước khác liên quan đến 5G dự kiến sẽ chỉ xuất hiện trong vòng 12-18 tháng tới (tính từ cuối năm 2018).

Thời Hán Nguyên Đế, Trung Quốc đã phải gả một cung nhân của nhà vua tên là Vương Chiêu Quân cho Thiền vu nước Hung Nô để đổi lấy các mục đích chính trị. Hán Nguyên Đế ra lệnh trong các cung nữ: “Ai tình nguyện lấy thiền vu Hung Nô sẽ được coi như công chúa”. Các cung nữ đều ngần ngại sang Hung Nô. Có cung nữ Vương Chiêu Quân tình nguyện đi nên được gọi là “công chúa”. Tương truyền đi đến biên giới, nàng buồn quá, bèn cầm đàn tỳ bà lên mà ngẫu hứng gảy một khúc có tên là “Xuất tái khúc”. Nhạc ấy buồn tới nỗi con chim bay qua nghe thấy đứt ruột mà chết. Điển cố “lạc nhạn” trong cụm từ “chim sa cá lặn” từ đó mà lưu truyền. Chiêu Quân buồn vì một đi không trở lại. Còn không biết “công chúa” Huawei, người được phái sang Mỹ vì sự nghiệp công nghệ lớn của quốc gia, khi bị trả về có buồn như Chiêu Quân ngày xưa không? Chỉ biết, người Mỹ có lẽ đã đọc rất kỹ lịch sử Trung Quốc. Vì thế, họ không chỉ trả Huawei về, họ còn cấm cửa “nàng dâu” ấy quay lại.

Bài viết từ TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc VCES - Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Thế khó của Huawei" tại chuyên mục Khoa học quản lý.