Việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng thêm 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng. Trong đó, tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76 nghìn doanh nghiệp, gần 306 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so số lượng đơn vị dùng để tính GDP trước đó. Quy mô GDP tăng bình quận 305.000 tỷ đồng mỗi năm do bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính, chiếm 32,6% mức tăng bình quân.
Tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm.
Tỷ lệ nợ công so với GDP của toàn giai đoạn 2010-2017 này giảm 11,6 điểm phần trăm so với số liệu trước. Thay vì sát trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội cho phép, tỷ lệ nợ công ở hầu hết các năm đều xuống dưới 50% GDP (trừ năm 2016 ở mức 50,9% GDP).
Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%. GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng tăng 25,6%/năm. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm (tăng thêm 0,7 điểm phần trăm).
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định kết quả của việc đánh giá lại không dùng để đánh giá thành tích trong giai đoạn đã qua mà. Các số liệu để đánh giá đúng bức tranh, hiện trạng của nền kinh tế để xây dựng các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm tiếp theo 2021-2030.
Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 8.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các số liệu tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 và không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định không phải bệnh thành tích. Việc đánh giá lại GDP rất quan trọng, cần thiết và theo thông lệ quốc tế.