"Ông trùm" hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền muốn đầu tư 57.000 tỷ đồng vào dự án bô xít ở Đắk Nông

Quý Quý

10/06/2022 13:18

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vừa báo cáo kết quả nghiên cứu và khảo sát hai dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đối với dự án tổ hợp Nhôm - Đắk Nông với tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng. Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách hàng năm khi đi vào hoạt động.

duc-giang-1654842018.jpg
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang đề xuất tỉnh hỗ trợ tháo gỡ một số vướng mắc khi triển khai các dự án

Ngày 8/6 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE:DGC) đã báo cáo kết quả nghiên cứu và khảo sát hai dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo đó đối vớidự án nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang-Đắk Nông, tổng vốn đầu tư là 300 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ sản xuất phân bón NPK với công suất 200.000 tấn/năm, sản xuất phân bón kali sunphat với công suất 4.800 tấn/năm. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến trong 12 tháng.

Đối với dự án tổ hợp Nhôm - Đắk Nông, ông Đào Hữu Huyền cho biết UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hóa chất Đức Giang nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song). Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng. Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách hàng năm khi đi vào hoạt động.

Trước đó, vào tháng 3 Hoá chất Đức Giang đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc rót 300 tỷ đồng để thành lập công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang – Đắk Nông. Công ty do Hoá chất Đức Giang nắm 100% vốn và có trụ sở chính tại khu công nghiệp Tâm Thắng, tỉnh Đắk Nông. Ngành nghề kinh doanh chính của Hóa chất Đức Giang – Đắk Nông liên quan tới việc sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; khai thác khoáng sản,..

Tính đến ngày 31/3, quy mô tổng tài sản của Hóa chất Đức Giang tăng 10,7% lên 9.432 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, là các khoản tiền gửi từ 3 đến 12 tháng tăng 1.350 tỷ đồng lên 4.982 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, công ty không có nợ vay dài hạn, vay ngắn hạn tăng 2,2% lên 860,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.004,8 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 632,1 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 1.786,7 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 1.711 tỷ đồng.

Trong năm nay, tập đoàn tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện dự án Hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn, xử lý chất thải rắn, và liên doanh, liên kết khai thác mỏ mới. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, vượt lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 30%.

Hóa chất Đức Giang vừa công bố báo cáo tài chính quý I với lãi ròng đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đây tiếp tục là kỷ lục mới của tập đoàn, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. 

Chân dung "ông trùm hóa chất" Đức Giang Đào Hữu Huyền

Ông Đào Hữu Huyền sinh ngày 07/06/1956, quê quán tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo để mở rộng kiến thức chuyên môn.

Sau khi du học nước Áo, ông Huyền về Việt Nam và thành lập công ty TNHH Văn Minh. Doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước. 

dao-huu-huen-1654840897.jpg
Tỷ phú Đào Hữu Huyền - Ông chủ tập đoàn hóa chất Đức Giang, Bảo Thắng

Tháng 4/2004, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, ông Đào Hữu Huyền và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Từ thời điểm cổ phần hóa, vai trò của vị Chủ tịch họ Đào tại Hóa chất Đức Giang là không phải bàn cãi, phần nào thể hiện qua tỷ lệ sở hữu lớn nhất của ông và gia đình mà một báo cáo của VCBS cập nhật vào khoảng tháng 8/2018 là 46,2%. Trong khi đó, căn cứ theo báo cáo tình hình quản trị nửa đầu năm 2019, nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT DGC đang nắm 42,08% cổ phần tại doanh nghiệp này. Mức cổ phần giảm có thể do DGC tăng vốn điều lệ để hợp nhất với Hóa chất Đức Giang Lào Cai.

Ngoài nhóm ông Đào Hữu Huyền, một cổ đông lớn khác tại DGC là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tháng 12/2019 vừa qua, Vinachem đã bán đấu giá toàn bộ 11,45 triệu cổ phiếu DGC đang nắm giữ (tỷ lệ 8,85%). Mức giá Vinachem đưa ra là 49.100 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp đôi so với vùng giá giao dịch từ 24.000 - 28.600 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, phiên đấu giá đã thất bại khi chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân mua vỏn vẹn 200 cổ phiếu.

Ông Đào Hữu Huyền được đánh giá là đại gia mới nổi kể từ khi cổ phiếu của DGC lên sàn vào năm 2014 và sau đó là DGL năm 2015. Năm 2015, ông lọt vào Top 30 người giàu có và quyền lực nhất sàn chứng khoán nhờ sở hữu cổ phiếu DGC và DGL với tổng giá trị cổ phiếu lên đến 700 tỷ đồng.

Trước khi là lãnh đạo tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền đã bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90, khi làm việc tại một Nhà máy hóa chất Đức Giang, thời điểm đó là nhà máy thuộc quyền quản lý và sở hữu Nhà nước. Sau khi du học từ Áo, ông về Việt Nam và lập CTY riêng là CTY TNHH Văn Minh, chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước.

Giới đầu tư chứng khoán đánh giá cao sự hiện diện của Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền tại DGC. Với kinh nghiệm hàng chục năm của ông trong lĩnh vực, ngành nghề hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp, CTY đã khiến DGC phát triển từng bước một vững trãi, chắc chắn và không chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh mặt hàng, sản phẩm truyền thống bột giặt, nguyên liệu sản xuất bột giặt, mà còn mở rộng sang một số lĩnh vực như: Sản xuất hóa chất công nghiệp, hóa chất tinh khiết,....

Đắk Nông thu hút nhiều "đại bàng" đến "làm tổ"

Ngoài tập đoàn Hóa chất Đức Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, một số tập đoàn lớn khác cũng tìm đến Đắk Nông đề xuất đầu tư phát triển loạt dự án, bao gồm cả dự án khai thác quặng bô xít.

Cụ thể, tháng 4/2022, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) – đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/năm) tại huyện Đắk Song; dự án Điện phân nhôm (công suất 0,5 triệu tấn/năm) và dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát (công suất 1.500MW) xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án mà Hòa Phát đề xuất là khoảng 4,3 tỉ USD, tương đương khoảng 100.500 tỉ đồng.

Cũng trong tháng 4/2022, CTCP Tập đoàn Việt Phương thuộc Việt Phương Group đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Tổ hợp Bô xít - Alumin – Nhôm Đắk Glong, diện tích 600ha, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm và 600.000 tấn nhôm/năm.

7 dự án điện gió nằm trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW. Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại Tp. Gia Nghĩa.

Quý Quý
Người theo dõi

Người theo dõi

11:35 14/06/2022

Khai thác bauxite đã là độc quyền của người Trung Quốc (cái cớ để họ dựng làng đưa dân sang) nên ông đừng có mơ