Kỷ nguyên mới gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho biết, chủ đề của buổi tọa đàm nhằm gợi mở tầm nhìn, khơi dậy khát vọng phồn vinh và kiến tạo hệ giá trị hành động cho từng cá nhân, doanh nghiệp, địa phương trong bối cảnh mới.
“Đây cũng là dịp để chúng ta lắng nghe các ý kiến đa chiều, từ đó đề xuất nhóm giải pháp chiến lược góp phần thực thi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, TS. Mạc Quốc Anh cho hay.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HANOISME, doanh nghiệp là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế.
"Khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh - hùng cường - hạnh phúc không thể hiện hữu nếu thiếu một liên minh hành động rộng rãi. Đó là, Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”, cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp là “người chơi chính”, dám nghĩ lớn, làm thật, bền bỉ đổi mới. Hệ thống tài chính - ngân hàng cung cấp “nhiên liệu” dài hạn, chi phí hợp lý. Viện, trường, chuyên gia là “trí tuệ tư vấn”, cung cấp giải pháp dựa trên bằng chứng. Người dân, cộng đồng là “khách hàng - giám sát”, nuôi dưỡng hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm" - TS. Mạc Quốc Anh khẳng định.
Cũng theo ông, "Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng; nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt. Hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước - giữ nước dạy rằng: Dân ta nên nhớ chữ đồng - "đồng tình - đồng sức - đồng lòng - quyết chí - đồng minh". Trong tinh thần đó, tôi tin chắc rằng kết quả tọa đàm hôm nay sẽ đóng góp thiết thực vào hoạch định chính sách, tiếp thêm năng lượng cho DN, khơi dậy khát vọng vươn mình và lan tỏa niềm tin vào một tương lai thịnh vượng" – TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Chìa khóa” mở cánh cửa thể chế, tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững
Tại đọa đàm, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá Nghị quyết số 68 không chỉ là một văn bản định hướng mà là “chìa khóa” mở cánh cửa thể chế, tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.
Theo ông Phan Đức Hiếu, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 68 không chỉ đơn thuần là tháo gỡ những rào cản trong môi trường kinh doanh, mà quan trọng hơn là tạo ra sự thay đổi căn bản trong tư duy lập pháp và thực thi pháp luật. Với cách tiếp cận mới, doanh nghiệp sẽ không còn bị giam hãm trong cơ chế quản lý kiểu “xin – cho”, mà từng bước được trao quyền chủ động, tự do phát triển và được bảo vệ đầy đủ về tài sản cũng như các quyền lợi hợp pháp.

Ông Hiếu nhấn mạnh rằng, cần nhìn nhận doanh nghiệp như một thực thể pháp lý độc lập. Việc tách bạch rõ ràng giữa tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với cá nhân người quản lý là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng, doanh nghiệp không bị liên lụy bởi sai phạm cá nhân và có thể hoạt động ổn định trong khuôn khổ pháp luật.
Đáng chú ý, một điểm nổi bật trong tinh thần Nghị quyết số 68 là cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, không áp dụng hồi tố đối với những quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo dựng lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ yên tâm mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.
Một trong những trụ cột trọng yếu mà Nghị quyết số 68 đặt ra là yêu cầu khơi thông các nguồn lực then chốt cho khu vực kinh tế tư nhân. Ông Phan Đức Hiếu khẳng định, để doanh nghiệp phát triển bền vững, ba yếu tố cốt lõi cần được ưu tiên tháo gỡ.
Trước hết, việc tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất sẽ trở nên thuận lợi hơn khi các địa phương được giao trách nhiệm rà soát, quy hoạch và công khai minh bạch quỹ đất dành cho doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu mặt bằng kinh doanh, vốn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho khu vực tư nhân sẽ được đa dạng hóa, không chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng truyền thống mà còn mở rộng sang thị trường vốn, các quỹ đầu tư và các mô hình tài chính sáng tạo khác. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, phù hợp với các mô hình kinh doanh đa dạng.
Cuối cùng, chất lượng nguồn nhân lực cũng được xác định là ưu tiên chiến lược. Việc tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường và thúc đẩy năng suất trong doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, để Nghị quyết số 68 thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự đồng hành và chủ động từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản trị, vận hành và tuân thủ pháp luật.
Ông Hiếu ví von rằng mỗi doanh nghiệp chính là một tế bào của nền kinh tế. Khi từng tế bào khỏe mạnh, cả cơ thể sẽ phát triển vững vàng. Do đó, việc chủ động đổi mới và thích nghi của doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Cũng theo ông Hiếu, khi thể chế đã được cởi mở, các doanh nghiệp sẽ không còn mang nỗi lo bị phân biệt đối xử hay gặp khó khăn khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, mặt khác, họ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt. Chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự, biết đổi mới và tận dụng cơ hội mới có thể bứt phá và trụ vững trong dài hạn.