Hành trình trở thành chính khách của các 'Banker'

Phúc Đức

03/07/2021 17:00

Sau khi trúng cử vào BCH Trung ương khoá XIII, nhiều chủ tịch ngân hàng có vốn nhà nước chi phối được luân chuyển ra khỏi lĩnh vực ngân hàng để bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng ở các địa phương.

Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, chỉ định ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng  TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nghiêm Xuân Thành đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thay cho ông Lê Tiến Châu đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định thôi giữ Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, giới thiệu hiệp thương giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. 

nxt-1910-1574063142-1625305777.jpg

Ông Nghiêm Xuân Thành

Ông Nghiêm Xuân Thành sinh năm 1969, quê quán ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đang cư trú tại TP Hà Nội. Trình độ học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, trình độ lý luận chính trị: Cao cấp.

Trước khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành từng giữ các chức vụ: Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank.

Dưới thời ông Thành lãnh đạo, tổng tài sản của Vietcombank tăng gấp hơn 2 lần lên hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng và  tiền gửi khách hàng tăng bình quân 17,3%/năm và 17,7%/năm.

Năm 2019, Vietcombank trở thành ngân hàng Việt đầu tiên có lợi nhuận cán mốc 1 tỷ USD, đạt 23.122 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh bởi Covid-19 và tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng khó khăn do đại dịch, lợi nhuận Vietcombank giảm xuống 23.045 tỷ đồng nhưng vẫn dẫn đầu toàn ngành. So với năm 2014, lợi nhuận của nhà băng này đã tăng gấp 4 lần.

Tại Đại hội XIII, ông Thành được bầu làm Ủy viên Trung viên Trung ương Đảng.

Cũng trong hôm nay, một banker khác là ông Lê Đức Thọ, chủ tịch Ngân hàng Vietinbank cũng vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025. 

Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1970, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) từ ngày 31/10/2018.

thoctg-jfpn-1625305796.jpg

Ông Lê Đức Thọ

Công tác tại Vietinbank từ năm 1991, ông Lê Đức Thọ từng giữ nhiều chức vụ tại nhà băng này như: Phó Trưởng Phòng Kinh doanh - VietinBank CN Phú Thọ; Phó Trưởng Phòng Cân &ối Tổng hợp, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp và Đầu tư, Trưởng Phòng Đầu tư VietinBank, Phó Tổng Giám đốc VietinBank; Chánh văn phòng NHNN Việt Nam; Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VietinBank.

Kể từ khi đảm trách vai trò Chủ tịch Vietinbank, ông Thọ đã góp phần tái cơ cấu toàn diện nhà băng này và đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, Vietinbank đứng thứ 2 về lợi nhuận trong hệ thống, với hơn 16.450 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2019). 

Tại Đại hội XIII, ông Lê Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietinbank đã được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá mới. 

Không chỉ ông Thành, ông Thọ, nhiều lãnh đạo cấp cao tại khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong con đường chính trị thời gian qua. 

Gần đây nhất, vào tháng 6/2021, ông Phạm Đức Ấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

4-4-0525-0656-0634-1625305777.jpg

Ông Phạm Đức Ấn

Ông Phạm Đức Ấn sinh năm 1970 tại Nghệ An, từng kinh qua các vị trí lãnh đạo cao cấp ở nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) và Agribank.

Cụ thể, ông Ấn từng có hơn 20 năm công tác tại BIDV với vị trí cao nhất là Phó Tổng Giám đốc. Đến tháng 8/2012 ông được biệt phái sang giữ vị trí Tổng Giám đốc VRB.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc VRB, ông Phạm Đức Ấn được điều động sang giữ vị trí Thành viên Hội đồng thành viên Agribank, sau đó, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Agribank từ tháng 6/2014 đến cuối năm 2018.

Đầu năm 2019, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Đến tháng 4/2020, Ngân hàng Nhà nước đã bổ nhiệm ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Một cựu ‘banker’ khác là ông Nguyễn Văn Thắng cũng trúng cử, trở thành Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Trước đó, ông Thắng là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng khoá XII.

athangqn-zing-1625305777.jpg

Ông Nguyễn Văn Thắng - Ảnh : Zing

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, từng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT VietinBank từ tháng 5/2014 – 7/2018. Rời VietinBank, ông Thắng làm Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Đến tháng 10/2020, ông Thắng đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên.

Ngày 1/7 vừa qua ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên thay ông Đỗ Tiến Sỹ vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cũng là người trưởng thành từ ngành ngân hàng và mới được luân chuyển đi chưa lâu.

nguyen-huu-nghia-oksl-1625305777.jpg

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa

Ông Nghĩa sinh năm 1972, từng trải qua nhiều cương vị quản lý trong lĩnh vực ngân hàng như: Phó Trưởng phòng Thanh toán vay nợ quốc tế, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Trưởng Phòng Chiến lược phát triển ngân hàng Trung ương, Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng; Trưởng Phòng Chiến lược phát triển Ngân hàng Trung ương; Phó Chánh Thanh tra ngân hàng; Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ; Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tháng 5/2018, ông Nghĩa được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.

Phúc Đức
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình trở thành chính khách của các 'Banker'" tại chuyên mục Nhân vật.