Tỷ phú giàu thứ 4 thế giới Bill Gates có một vài điều hối tiếc khi nhắc đến thời đi học của mình. Nhà đồng sáng lập Microsoft được coi là biểu tượng của ngành công nghệ vì rất nhiều lý do: Ông đã giới thiệu cho chúng ta máy tính cá nhân, hệ điều hành Windows và Microsoft Office - tất cả đều trở nên phổ biến.
Ông làm được những điều tuyệt vời đó chỉ sau 2 năm bỏ học Harvard. Bạn có thể tự hỏi: “Nếu hoàn thành việc học, Bill Gates còn có thể đạt thêm những thành tích gì?”
Tất nhiên, bạn sẽ không thể nghe tỷ phú này nói những câu kiểu như “Nếu... thì”, nhưng ông từng chia sẻ về điều khiến mình hối tiếc thời còn ngồi trên ghế giảng đường. Trong một phiên hỏi đáp với sinh viên Harvard năm 2018, Gates nhận được câu hỏi “Điều gì khiến ông hối hận vì đã làm hoặc không làm tại Harvard?”.
Và câu trả lời của tỷ phú sinh năm 1955 là “Tôi ước mình đã hòa đồng hơn”.
Ông thừa nhận đã bỏ lỡ rất nhiều trong những năm tháng đó. Cậu sinh viên Bill Gates chưa bao giờ đến xem một trận bóng bầu dục, bóng rổ hay bất cứ môn thể thao nào khác tại Harvard.
Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft học cùng trường với Gates thời điểm đó, từng cố kéo ông đến câu lạc bộ Fox, một hội nhóm nổi tiếng của sinh viên Harvard.
“Tôi đã rất khó gần, thậm chí còn không nhận ra sự tồn tại của những người xung quanh, nhưng Steve Ballmer quyết định tôi cần tiếp xúc với họ và tập uống một chút. Vì vậy, tôi đến đó và nhận ra những sự kiện này có tính giáo dục cao", Gates nhớ lại.
Tỷ phú 66 tuổi là ví dụ điển hình về việc một người có thể tìm ra con đường riêng để thành công mà không cần có bằng đại học. Tất nhiên, Gates không phải là trường hợp duy nhất. Mark Zuckerberg cũng bỏ Harvard để khởi nghiệp. Hàng loạt triệu phú/ tỷ phú khác với những câu chuyện thành công nổi tiếng như Amancio Ortega (đồng sáng lập Zara), Ben Francis (sáng lập Gymshark), Simon Nixon (đồng sáng lập Moneysupermarket)...
Trong khi mọi người thường liên tưởng các tỷ phú bỏ học với ngành công nghệ, những cái tên ở trên cho thấy một thực tế: Thành công không cần bằng cấp có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điều này không có nghĩa là mọi người nên bỏ bằng cấp và đặt nặng vấn đề khởi nghiệp. Thay vào đó, chúng ta có nên nhìn lại cách đánh giá năng lực của một người từ CEO cho đến nhân viên?
Các câu hỏi quan trọng thay vì đặt ra yêu cầu công việc một cách mù quáng như: Những kỹ năng nào thực sự cần thiết để hoàn thành công việc và xuất sắc trong môi trường làm việc? Việc đánh giá khả năng và sự sẵn sàng học hỏi của một ứng viên có quan trọng hơn việc nhìn thấy "BA" hoặc "MBA" ở đâu đó trên sơ yếu lý lịch của họ?
Trở lại với Gates. Chia sẻ của ông cho thấy nhu cầu gắn kết nhiều hơn với những người khác - kỹ năng xã hội tốt hơn, mối quan hệ bền chặt hơn. Điều đó đòi hỏi kỹ năng của con người - và một tấm bằng đại học không chứng minh rằng bạn biết cách kết nối với những người khác.
Trong làn sóng “đại nghỉ việc” ở Mỹ, các công ty đang cân nhắc lại chính sách tuyển dụng và giữ chân nhân viên của họ trên mọi phương diện. Nhưng trong lúc vội vàng tung ra những đãi ngộ hấp dẫn, có lẽ mục tiêu cốt lõi đã bị lãng quên. Bạn thực sự cần gì trong lần tuyển dụng mới? Một mảnh giấy hay kỹ năng của con người? Tổ chức liên kết hay niềm đam mê liên quan?
Hãy hỏi những câu hỏi cụ thể này - về bản thân bạn và ứng viên của bạn - và bạn sẽ mở ra cánh cửa cho vô số tài năng vốn thường nằm ngoài tầm ngắm.