Đế chế năng lượng chuyển mình

minhtam

11/09/2020 16:51

BHP - doanh nghiệp khai thác mỏ tự nhiên đặt mục tiêu cắt giảm khí thải.

Nhà khai thác mỏ thiên nhiên lớn nhất thế giới BHP đang đặt mục tiêu cắt giảm 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này. Công ty Anh - Australia này đã vạch ra kế hoạch chi tới 4 tỉ USD trong vòng mười năm tới để giảm tác động đến môi trường. Trong đó, một phần tiền thưởng sẽ dành cho giám đốc điều hành thực hiện được các mục tiêu về khí hậu.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Mike Henry người vừa nắm quyền vào tháng Một, cho biết BHP sẽ tiếp tục phát triển các tài sản dầu khí bởi lợi nhuận thu được rất hấp dẫn. Và BHP sẽ khai thác với cường độ carbon thấp hơn nhiều nhà sản xuất khác. "Chúng tôi cũng như những người khác đều thấy trong ngắn hạn nhu cầu liên tục về dầu và khí đốt cần thiết cho giao thông và sản xuất công nghiệp. Với khả năng hiện có, đây sẽ là một lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi tiếp tục đầu tư vào", Financial Times dẫn lời ông Mike Henry.

Hoạt động kinh doanh dầu khí của BHP giúp công ty khác biệt với những công ty khai thác mỏ thuần túy nhưng đối với một số nhà đầu tư, họ không yên tâm với các cam kết về khí hậu, vốn là một trong những cam kết khắt khe nhất trong ngành khai thác. Rio Tinto - một đối thủ của BHP đã tìm cách giảm lượng khí thải hoạt động của mình xuống 15% mức năm 2018 trong vòng 10 năm tới.

Ông Johan van Jaarsveld, Giám đốc phát triển mới của BHP cho biết sẽ chi từ 2-5 tỉ USD trong thập kỷ tới cho các dự án để đạt được mức giảm ít nhất 30% lượng khí thải hoạt động. Doanh nghiệp tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo tại các mỏ của mình và giảm tiêu thụ dầu diesel bằng cách điện khí hóa đội xe vận tải và các thiết bị khác. Các dự án sẽ được xếp ngang với chi phí bảo trì và đảm bảo các mỏ của công ty an toàn cho công nhân. Cùng với việc tìm cách giảm lượng khí thải hoạt động, BHP đã công bố các mục tiêu nhằm giảm lượng khí nhà kính do khách hàng và nhà cung cấp thải ra. BHP cho biết họ sẽ giúp phát triển công nghệ và phương pháp tiếp cận để sản xuất thép ít thâm dụng carbon hơn 30% và vận chuyển ít thâm dụng hơn 40%.

“BHP vẫn đang đặt cược nhiều vào khí đốt - thứ được chứng minh là có mức phát thải tương đương, nếu không muốn nói là còn tệ hơn than đá nếu lượng khí thải mê-tan thoát ra được tính”, ông Dan Gocher, Trung tâm Trách nhiệm Doanh nghiệp Australasian nhận định.

Giữa tháng Tám, BHP cũng công bố kế hoạch rút lui khỏi mảng kinh doanh than nhiệt lượng cao (thermal coal) và bán 80% lượng cổ phần đang nắm giữ tại một liên doanh sở hữu hai mỏ than cốc (coking coal) chất lượng thấp. Nhà khai khoáng còn tìm cách bán đi các mỏ dầu và khí đốt đã già cỗi, bắt đầu với các hoạt động ở Eo biển Bass, dù những tài sản này chiếm khoảng một phần ba thu nhập do bộ phận dầu khí của BHP tạo ra vào năm ngoái.

Nhưng nhà đầu tư không còn nhiều niềm tin với năng lượng hóa thạch, không chỉ riêng dầu mỏ. Hồi đầu năm, Quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.000 tỉ USD của Na Uy đã bán hết cổ phần tại các tên tuổi lớn như Glencore, Anglo American và RWE khi phát hiện vi phạm các nguyên tắc sử dụng than theo hướng dẫn của quỹ này.

Chính BHP cũng bị đưa danh sách giám sát liên quan tới việc sử dụng than. Quỹ hiện nắm giữ 2 tỉ USD cổ phần của BHP và việc vào danh sách giám sát là bước đầu tiên trong quy trình quyết định có bán cổ phần hay không. Sở hữu trung bình gần 1,5% của mọi công ty niêm yết trên toàn cầu, các lưu ý loại trừ khỏi danh mục đầu tư của một trong những cổ đông lớn nhất thế giới này còn được các nhà đầu tư khác theo dõi. Các nhà đầu tư ngày càng có ảnh hưởng hơn tới ngành năng lượng hóa thạch - đế chế một thời.

Theo Financial Times

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Đế chế năng lượng chuyển mình" tại chuyên mục Khoa học quản lý.