GS.BS Harry B. Greenberg, Cố vấn Viện vi sinh & chống dịch Stanford (Mỹ) – nhà nghiên cứu có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus từ năm 1998 đã cùng đoàn chuyên gia cấp cao Stanford tới thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời Viện Nghiên cứu Tâm Anh.
Là chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh lý lây nhiễm từ virus, GS.BS Harry B. Greenberg rất quan tâm đến Hệ thống tiêm chủng VNVC của Việt Nam. Tận mắt chứng kiến quy trình tiêm chủng an toàn, hiện đại, quy trình bảo quản vắc xin, hệ thống kho lạnh, hệ thống dây chuyền lạnh và danh mục vắc xin đa dạng được nhập khẩu chính hãng từ nhiều hãng vắc xin uy tín trên toàn thế giới, GS cho biết, ở Mỹ và các nước phát triển trên thế giới chưa nơi nào xây dựng được mô hình tiêm chủng quy mô, chuyên biệt và đưa việc tiêm chủng trở thành niềm vui như ở VNVC. “Những bà mẹ ẵm con nhỏ đến VNVC chủng ngừa trong nụ cười đã đủ nói lên điều này”, GS.BS Harry B. Greenberg bày tỏ.
Ông đánh giá cao năng lực y tế dự phòng tại VNVC, cho rằng mô hình của hệ thống tiêm chủng VNVC là duy nhất trên thế giới, có thể công bố trên các tạp chí quốc tế về một hình mẫu triển khai tiêm vắc xin đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân.
Ông cũng bày tỏ ấn tượng với quy trình tiêm chủng nhanh chóng, người dân được hướng dẫn đăng ký, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm thậm chí được lưu giữ và tra cứu lịch sử tiêm chủng, nhắc lịch tiêm chủ động từ VNVC. Ở Mỹ, những người khỏe mạnh thông thường có thể phải mất đến 6 tháng mới xếp được lịch hẹn thăm khám sức khỏe với một bác sĩ.
“Mô hình VNVC đóng góp lớn vào sự phổ cập tiêm vắc xin không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới”, GS.BS Harry B. Greenberg cho biết.
Chia sẻ về việc nghiên cứu thúc đẩy phát triển vắc xin Rotavirus, loại vắc xin đã góp phần quan trọng bảo vệ tính mạng của hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới, GS.BS Harry B. Greenberg cho biết trẻ em vốn mắc nhiều bệnh tiêu chảy và tử vong trong 2 đến 5 năm đầu đời. Trước khi có vắc xin, Rotavirus đã giết chết hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh mỗi năm. Giảm tỷ lệ tử vong không phải là ngăn chặn bệnh tiêu chảy mà là giảm tỷ lệ tử vong do nhập viện và bệnh nặng.
Nêu quan điểm về việc mở rộng độ tuổi sử dụng vắc xin Rotavirus để trẻ em dưới 5 tuổi đều hưởng lợi từ thành tựu này thay vì chỉ giới hạn 8 tháng tuổi như hiện nay, GS.BS Harry B. Greenberg cho rằng nhiễm trùng và bệnh tật xảy ra chủ yếu trong 5 năm đầu đời nhưng tỷ lệ tử vong thực sự xảy ra chủ yếu trong 6 tháng đầu đời và thậm chí xảy ra trong năm đầu tiên. Hầu hết mọi người đã nhiễm tác nhân Rotavirus trong năm đầu tiên. Vì vậy, việc sử dụng vắc xin Rotavirus càng sớm càng tốt và phải đạt tỷ lệ 80-90% mới mang lại hiệu quả tối ưu và không thực sự cần phải tăng độ tuổi.
GS.BS Harry B. Greenberg bày tỏ vui mừng khi biết VNVC đã sử dụng hàng triệu liều vắc xin Rotavirus mỗi năm để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, đồng thời cải thiện nỗi lo tiêm vắc xin của nhiều người nhờ việc đảm bảo tốt an toàn tiêm chủng và những dự án truyền thông, giáo dục cộng đồng hiệu quả.
Bác sĩ Harry B. Greenberg được phong hàm Giáo sư danh dự tại Đại học Stanford và hiện là cố vấn cho Viện vi sinh & chống dịch Stanford. Ông đã có đóng góp hơn 45 năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, ứng dụng lâm sàng và phát triển nhiều loại vắc xin chống lại virus. Hàng triệu trẻ em và người lớn đã được hưởng lợi từ những phát kiến của ông.
Ông thường được nhắc đến là một trong những người có vai trò chủ chốt trong việc phát triển vắc xin ngừa Rotavirus thế hệ đầu tiên, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy cấp, cướp đi sinh mạng của hơn 611.000 trẻ em mỗi năm. Ông cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện ra virus viêm gan B và tiến hành liệu pháp kháng siêu vi.
Tại Việt Nam, Rotavirus là bệnh phổ biến thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ. Cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy thì một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra. Giai đoạn 1998 – 2003, mỗi năm nước ta ghi nhận 5.300 – 6.800 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh này.
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với tiêu chảy do Rotavirus. Chủng ngừa vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giảm biến chứng và tỷ lệ nhập viện. Các nghiên cứu đã chứng minh vắc xin Rotavirus có hiệu quả lên đến 98% trong việc ngăn ngừa bệnh tiêu chảy nặng do Rotavirus và 74-87% trong việc ngừa bệnh do Rotavirus ở bất kỳ mức độ nào trong năm đầu tiên sau uống vắc xin.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, GS.BS Harry B. Greenberg đã cùng các chuyên gia cấp cao Stanford (Mỹ) còn tham dự hội thảo khoa học trao đổi nghiên cứu, ứng dụng mới trong điều trị bệnh và các vấn đề y tế cấp thiết tại Việt Nam với nhiều chủ đề mang tính thời đại: Virus cho bệnh nhiễm trùng, viêm gan, ung thư ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện các bệnh nhiễm trùng và chăm sóc sức khỏe. Hội thảo hướng đến mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về khoa học y tế chuyên sâu nhằm triển khai các nghiên cứu, phát minh mới về y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại Việt Nam.
Tại hội thảo, BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng đưa ra bàn luận tìm cách đối phó tốt hơn về các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vắc xin phòng bệnh cùng các chuyên gia thế giới. Bác sĩ Chính cho biết với sự nỗ lực của các nhà khoa học, hiện nay đã có vắc xin phòng được bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi B… nhưng với nhiều bệnh khác, tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn chưa có vắc xin như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hiện VNVC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn dược phẩm Takeda Nhật Bản sớm đưa vắc xin ngừa sốt xuất huyết về Việt Nam.
VNVC là đối tác lớn của các hãng vắc xin lớn trên thế giới như GSK (Bỉ), MSD (Mỹ), Sanofi (Pháp), Pfizer (Mỹ), Abbott…, cung cấp hầu hết vắc xin phòng bệnh quan trọng, giá bình ổn cho người dân. Không chỉ là cơ sở tiêm chủng dịch vụ, VNVC còn nỗ lực nâng cao kiến thức, xây dựng thói quen về tiêm chủng và vắc xin cho cộng đồng, nâng cao tỷ lệ các loại vắc xin như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván… tăng dần qua các năm. Sau gần 10 năm thành lập, đến nay VNVC đã có hơn 150 trung tâm tại gần 50 tỉnh, thành trên cả nước, kể cả các địa phương vùng sâu vùng xa, giúp việc tiếp cận vắc xin của người dân ngày càng dễ dàng và thuận lợi hơn.