Thị trường ngày càng đa dạng với các thương hiệu ngoại
Chỉ trong vòng chưa đầy năm năm, các hãng thời trang quốc tế dành cho giới trẻ liên tiếp đến Việt Nam và mở rộng cửa hàng. Cơn sốt của các cửa hàng này thậm chí khiến các tín đồ thời trang có mặt từ sáng sớm, xếp hàng hàng giờ đồng hồ để đợi tới lượt vào mua hàng.
Sau khi vào khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM chưa đầy một tháng, Uniqlo tiếp tục thông báo sẽ mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội vào mùa xuân của năm 2020. Hiện công ty này đang trong quá trình tuyển dụng cho những nhân viên đầu tiên cho khu vực Hà Nội.
Trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, đích thân tỉ phú giàu nhất Nhật Bản, người sáng lập lên thương hiệu Uniqlo - ông Tadashi Yanai đến tham dự và phát biểu chào mừng những vị khách đầu tiên ngay trước cửa cửa hàng. Uniqlo cho biết, cửa hàng tại Đồng Khởi là cửa hàng lớn thứ hai của hãng này tại thị trường Đông Nam Á. Công ty cũng cho biết, có khoảng 2.000 khách hàng đến cửa hàng trong ngày đầu tiên mở cửa, cũng là vào ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 12. Khách đến các cửa hàng phần lớn là sinh viên, người trung niên - nhóm người có nhiều thời gian hơn những người làm việc theo khung giờ hành chính.
Việt Nam ngày càng thu hút nhiều hãng bán lẻ thời trang quốc tế. Trước Uniqlo, các thương hiệu khác như Mango, Zara và H&M - các hãng thời trang định vị theo phong cách thời trang nhanh dành cho giới trẻ, cũng có mặt tại Việt Nam. Với tiềm lực tài chính mạnh, các thương hiệu quốc tế đầu tư những vị trí đắc địa nhất của thành phố khiến cho các tạo nên những buổi khai trương, chiến dịch marketing “làm mưa làm gió”.
Theo nhận định của người trong ngành thời trang, những dòng xu hướng chính từ kinh đô thời trang thế giới điều khiển toàn bộ ngành thời trang. Việt Nam không phải là quốc gia nghĩ ra xu hướng thời trang mà là quốc gia theo sau. Do đó, các thương hiệu Việt Nam gặp bất lợi khi không bắt kịp với xu hướng thế giới như các hãng thời trang nhanh thương hiệu quốc tế như Zara hay H&M.
Thị trường phân mảnh
Mặc dù có hàng nghìn cửa hàng trên toàn cầu nhưng đến nay, sau bốn năm vào Việt Nam, Zara hiện cũng mới mở hai cửa hàng sau ba năm vào Việt Nam. H&M, thương hiệu thời trang nhanh đến từ Thụy Điển có ba cửa hàng tại Hà Nội, bốn cửa hàng tại TP.HCM và một cửa hàng tại Đà Nẵng. Đại diện Uniqlo cũng cho biết, công ty cũng mới chỉ có kế hoạch cho những cửa hàng đầu tiên nhằm thăm dò thị trường.
Thị trường phân mảnh do hàng thời trang trên thị trường Việt Nam xuất xứ từ nhiều nơi. Nhờ vào sự phát triển của internet, mạng xã hội và hệ thống logistics ngày càng cải thiện, đối thủ của các thương hiệu còn là các cửa hàng trực tuyến chuyên bán sản phẩm “hàng Việt Nam xuất khẩu” và hàng “order” trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Taobao, hàng xách tay từ Thái Lan, Quảng Đông (Trung Quốc). Ông Tuấn cũng cho rằng đây là nhóm đối thủ lớn của Hoàng Phúc. Với các mức giá trên kệ của các thương hiệu quốc tế, khách hàng có nhiều sự lựa chọn tại các cửa hàng khác trên những con đường mua sắm khác của thành phố.
Theo đánh giá của Euromonitor, ngành tiêu dùng quần áo và giày dép của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép. Năm 2018, ngành thời trang của Việt Nam chứng kiến một kết quả tích cực. Việt Nam nhờ vào mức sống cao hơn, thu nhập trung bình tăng và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
Mặc dù vậy, đến nay thị trường vẫn chưa có bất kì thương hiệu thời trang bao gồm cả trong và ngoài nước có đủ tầm ảnh hưởng. Thị trường phân mảnh một phần đang cho thấy cơ hội của các nhà phân phối nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi nhà đầu tư phải có đủ khả năng cho cuộc đua đường dài. Chỉ riêng việc giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM có xu hướng tăng dần trong năm năm trở lại đây, đặc biệt là đất tại khu vực trung tâm thành phố đã tạo sức ép cho cả thị trường, đại diện của Uniqlo cũng phải thừa nhận điều này.
Cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam
Trên thực tế, các sản phẩm của những hãng thời trang quốc tế không được đánh giá quá cao về chất lượng và khẩu vị thời trang của đại đa số người Việt vì những yếu tố như size, màu da, thời tiết, thậm chí văn hóa. Thuộc phân khúc bình dân với các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ nhưng khi về Việt Nam các sản phẩm quốc tế có mức giá giao động vào khoảng 200 nghìn đồng đến vài triệu đồng - cao hơn so với các mặt bằng chung của thị trường. Do đó, các sản phẩm thời trang nhanh như Zara hay H&M hiện cũng chỉ mới phục vụ nhóm khách hàng trung lưu của thành phố. Trong khi đó nhu cầu vẫn rất lớn.
Thị trường vẫn còn rộng mở với các nhà đầu tư trong ngành thời trang của Việt Nam. “Với hai cửa hàng, Zara chỉ lấy một phần miếng bánh và thị trường không thay đổi. Do đó, đây vẫn là cơ hội để các thương hiệu khác phát triển”, theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Tuấn, đồng sáng lập của chuỗi cửa hàng giày Juno và hiện tại là CEO của chuỗi cửa hàng thời trang Hoàng Phúc. Khi các thương hiệu quốc tế mở rộng quy mô hàng trăm cửa hàng tại Việt Nam thì thị trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, các thương hiệu thời trang nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp khách hàng nâng cao tiêu chuẩn sử dụng đối với thị trường. Với lợi thế về kinh nghiệm vận hành quốc tế, các thương hiệu như Zara, H&M hay gần đây nhất là Uniqlo đem đến cho khách hàng cảm thấy mình có được trải nghiệm mới, tốt hơn. “Đây là một tín hiệu vui. Điều này giúp cho toàn bộ thị trường đi lên”, ông nói. Thành lập từ năm 2005, nhưng phải đến thời điểm năm 2017, Juno mới thực sự tạo nên dấu ấn trên thị trường sau khi nhận đầu tư từ Seedcom. Hiện chuỗi giày dép nữ này hiện có gần 100 cửa hàng trải dài từ bắc vào nam. Hồi tháng 9.2019, công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản - Stripe International cũng mua lại hệ thống gần 140 cửa hàng của Vascara.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam chưa có thương hiệu thời trang có sức ảnh hưởng trong khu vực và trong nước. Việt Nam không có lợi thế về chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù nhiều thương hiệu gia công tại Việt Nam như Nike, Adidas, nhưng thị trường Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất được sản phẩm tương đương do thiếu nhà cung ứng. Chỉ riêng Tập đoàn Inditex sở hữu thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) Zara hiện đang có hơn 7.000 cửa hàng tại hàng trăm quốc gia. Tập đoàn này cũng có mạng lưới gần 2.000 nhà cung ứng và hơn 7.000 nhà máy trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những phần thuê ngoài, Việt Nam có lợi thế về vận hành thị trường do những đặc trưng của thị trường như hệ thống logistics, văn hóa xe máy. Các chuỗi thời trang lớn, sở hữu số lượng chuỗi lên đến hàng trăm cửa hàng trên thị trường lại là những cái tên Việt Nam như Vascara, Ivy Moda, Juno, Ninomaxx hay Blue Exchange. Trong khi các thương hiệu quốc tế vẫn loay hoay tìm địa điểm ở các thành phố lớn thì những thương hiệu trong nước đã về đến các tỉnh thành phố loại hai khác. Ivy Moda, Vascara, Juno, MWC cũng hiện diện từ Lạng Sơn, Lào Cai đến An Giang, Cà Mau.
Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 12.2019 của AC Nielsen Việt Nam, nhu cầu mua sắm quần áo đứng vị trí thứ hai trong hạng mục sử dụng tiền nhàn rỗi của người Việt Nam chỉ sau việc tiết kiệm. Tại TP.HCM nơi người dân có mức lương tối thiểu trung bình mỗi tháng cao nhất trên cả nước, vào khoảng 456 USD, tức khoảng 10,4 triệu đồng (VietnamWorks năm 2017), các cửa hàng của đường Nguyễn Trãi hay Huỳnh Văn Bánh của thành phố vẫn tấp nập người ra vào cửa hàng, đặc biệt là những ngày nghỉ trong năm.