Dấu ấn mờ nhạt của cổ đông chiến lược
Là doanh nghiệp trực thuộc tỉnh và quản lý hàng triệu m2 đất tại Đồng Nai, Tổng Công ty Tín Nghĩa được xem là vua đất địa phương. Vì vậy khi doanh nghiệp này cổ phần hóa lần đầu (IPO) vào tháng 4/2016, rất nhiều doanh nghiệp muốn xếp hàng làm cổ đông. Việc chọn cổ đông chiến lược khi ấy cũng rất dè dặt.
Cụ thể, cổ đông này phải có tài sản ít nhất là 1.500 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2014), vốn chủ sở hữu tối thiểu là 500 tỷ đồng và có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp (2012-2014). Với bề dày hoạt động và quy mô của mình, Thành Thành Công dễ dàng đáp ứng các điều kiện này và có được cái bắt tay từ Tín Nghĩa. Thành Thành Công – nơi ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch, khi ấy đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần Tín Nghĩa (qua công ty con là Đầu tư Thành Thành Công). Sự gắn bó của mối duyên này được cam kết kéo dài ít nhất 5 năm.
Theo bản cáo bạch công bố cuối năm 2018, lúc Tín Nghĩa lên sàn, Đầu tư Thành Thành Công nắm hơn 67 triệu cổ phiếu (33,6%). Số cổ phần giảm xuống do Tín Nghĩa tăng vốn từ mức 1.558 tỷ lên 2.000 tỷ đồng vào tháng 7/2018. Đến tháng 8/2019, Thành Thành Công chỉ còn giữ chưa tới 30% (hơn 59 triệu cổ phiếu). Đây cũng là thời điểm cổ đông chiến lược này bán tiếp gần 5 triệu cổ phiếu nữa, giảm tỷ lệ sở hữu về mức hơn 27% (54,5 triệu cổ phiếu).
Có thể thấy, từ khi Tín Nghĩa lên sàn Upcom, Thành Thành Công nhiều lần bán bớt cổ phiếu sở hữu. Đỉnh điểm là vào cuối tháng 5/2021, cổ đông này quyết bán sạch cổ phiếu đang nắm để chia tay dứt khoát với Tín Nghĩa. Đợt này, Thành Thành Công thu hơn 800 tỷ đồng. Trong các lần trước, ước tính với khoảng 13 triệu cổ phiếu, Thành Thành Công có thể đã thu về hơn 200 tỷ đồng nữa. Tổng cộng sau khi thoái vốn, Thành Thành Công đã lời gấp đôi. Đúng là khoản đầu tư quá hời.
Nhưng sau khi rời đi, dấu ấn của Thành Thành Công để lại khá mờ nhạt, khiến giới đầu tư tiếc nuối. Kết quả kinh doanh của Tín Nghĩa thời Thành Thành Công làm cổ đông chiến lược không lấy gì gọi gì khởi sắc. Ngoài doanh thu năm 2018 tăng do là thời điểm lên sàn, những năm khác đều giảm. Đáng nói, lợi nhuận năm này còn giảm mạnh so với năm trước đó.
So với lúc lên sàn, doanh thu Tín Nghĩa đã giảm gần 30% ở thời điểm năm 2020, lợi nhuận ròng cũng giảm gần một nửa. Mức suy giảm này trải đều liên tục qua các năm. Nếu so với năm 2017, thời điểm trước khi Tín Nghĩa lên sàn nhưng Thành Thành Công đã vào, lợi nhuận ròng của “vua đất Đồng Nai” năm 2020 giảm đến 80%.
Theo đó, năng lực mà Tín Nghĩa mong chờ cổ đông chiến lược hỗ trợ nhiều nhất là bất động sản cũng không được thể hiện nhiều. Ngoài mảng xuất khẩu café và cho thuê khu công nghiệp vốn có, Tín Nghĩa gần như chưa tạo được bứt phá nào trong mảng bất động sản, tính đến năm 2020. Báo cáo tài chính năm 2020 của Tín Nghĩa ghi nhận, mảng bất động sản (CTCP Đầu tư Nhơn Trạch, CTCP TM&XD Phước Tân và Công ty Tín Nghĩa – Á Châu) vẫn đang loay hoay thực hiện các thủ tục đầu tư và chưa tạo ra doanh thu đáng kể.
Lợi thế trong ngành mía đường của Thành Thành Công cũng chưa khiến Tín Nghĩa yên lòng. Ngoài việc trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Tín Nghĩa, Thành Thành Công còn hợp tác với Tín Nghĩa lập CTCP Cà phê Tín Nghĩa. Công ty café này khi đưa vào hoạt động cuối năm 2018 có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Tín Nghĩa góp 50% vốn, Đầu tư Thành Thành Công nắm 30% và CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) giữ 20% vốn. Thành Thành Công nắm phần lớn thị phần ngành đường ở Việt Nam nên được kỳ vọng sẽ giúp liên doanh cất cánh. Tuy nhiên, khi Thành Thành Công rời đi, Tín Nghĩa cũng ngậm ngùi thoái hết vốn tại công ty liên doanh này (12 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 42% vốn).
TTC bị “đẩy” khỏi Tín Nghĩa?
Mang danh là cổ đông chiến lược, nhưng rõ ràng Thành Thành Công chưa để lại dấu ấn nổi bật tại Tín Nghĩa ở vai trò này, trong suốt 5 năm gắn kết. Bởi vậy, một số nhà đầu tư cho rằng nên xem Thành Thành Công là nhà đầu tư tài chính hơn là nhà đầu tư chiến lược. Luận điểm này cũng không phải không có cơ sở.
Nhất là trong mảng bất động sản, dù Thành Thành Công đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án bất động sản trải dài từ miền Trung vào Nam, nhưng chỉ mới hợp tác với Tín Nghĩa một dự án. Với dự án Jamona Tân Vạn do Tín Nghĩa Á Châu thực hiện, Thành Thành Công đến nay cũng rút hết vốn tại đây. Đồng thời, trong thời gian Thành Thành Công còn ngồi ở vị trí cổ đông chiến lược, Tín Nghĩa đã đem hơn 1 triệu m2 đất góp vốn với một tập đoàn Trung Quốc làm dự án và vướng nhiều lùm xùm.
Cụ thể, cuối năm 2017, Tín Nghĩa bắt tay với VNIC 2 PTE.LTD (công ty con của Tập đoàn China Fortune Land Development - CFLD) lập nên Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch (CNM). Công ty này triển khai dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn (SwanPark) trên diện tích 942ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Phần giá trị quyền sử dụng đất của Tín Nghĩa cao hơn phần góp vốn hơn 932 tỷ đồng, được công ty liên doanh thanh toán lại bằng tiền. Dù vậy, đến giữa năm 2018, Tín Nghĩa ghi nhận lãi từ hợp đồng liên doanh này chỉ là 172 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, dự án này còn được xác định có nhiều sai phạm, chủ yếu do giao đất không qua đấu giá. Theo đó, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và CTCP Đầu tư Nhơn Trạch cung cấp hồ sơ liên quan trong quá trình triển khai dự án này để điều tra.
Sau khi rút lui khỏi Tín Nghĩa, Thành Thành Công lại muốn hợp tác theo cách khác. Cuối tháng 5/2021, Sacomreal (TTC Land – công ty con của Thành Thành Công) cho biết đang hợp tác với Tín Nghĩa để phát triển các dự án mới tại khu vực Biên Hoà (Đồng Nai) với quy mô 160 ha. Vì sao Thành Thành Công phải đợi rời khỏi vai trò cổ đông chiến lược mới hợp tác mạnh mẽ với Tín Nghĩa?
Nhìn vào biến động các vị trí lãnh đạo của Tín Nghĩa từ năm 2019 đến nay, có lẽ nhà đầu tư cũng lý giải được phần nào. Cụ thể, vào tháng 6/2019, vị Chủ tịch lâu năm của Tín Nghĩa là ông Quách Văn Đức bất ngờ bị đẩy xuống làm Phó Chủ tịch. Chủ tịch mới là bà Đặng Thị Thanh Hà, trước đó là Phó Tổng Giám đốc. Sau đó hai tháng thì Thành Thành Công cũng bán bớt gần 5 triệu cổ phiếu Tín Nghĩa.
Đến tháng 6/2020, bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Đặng Văn Thành) từ nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Tín Nghĩa sau khi đảm nhiệm từ đầu năm 2018. Trong lúc này, CTCP Đầu tư xây dựng và Vật liệu xây dựng Sài Gòn (công ty liên quan đến Tập đoàn Tuấn Lộc) cũng đưa hai nhân sự vào làm thành viên hội đồng quản trị và một người vào ban kiểm soát của Tín Nghĩa. Vào cuối tháng 5/2021, đơn vị này cũng mua vào 48 triệu cổ phiếu Tín Nghĩa (gần 25% vốn).
Dường như kịch bản ai ở lại và ai ra đi tại Tín Nghĩa đã được thỏa thuận cách đây khá lâu, đến khi Thành Thành Công thoái hết vốn thì mọi chuyện đã được sắp xếp xong. Mặt khác, cổ đông chiến lược Thành Thành Công phải thoái hết vốn tại Tín Nghĩa rồi mới quay lại hợp tác qua công ty con là TTC Land. Phải chăng Thành Thành Công không mang lại nhiều giá trị cho Tín Nghĩa với vai trò cổ đông chiến lược nên mới bị “đẩy” khỏi Tín Nghĩa?