Trung tâm thương mại: sự bối rối sung sướng của người dân vùng ven đô

dang.pham

Sự xuất hiện của các TTTM lớn với đầy đủ những tiện nghi phục vụ cho mọi nhu cầu vui chơi dường như đã đưa người dân đến với những khung trời khác.

Kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu tăng, các trung tâm thương mại liên tục mở rộng với các thương hiệu quốc tế. Điều này đang dần hình thành nên một sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Dạo một vòng trong không khí điều hòa mát lạnh, mọi người có thể tìm thấy mọi thứ từ khắp nơi trên thế giới: Đồ ăn nhanh từ Mỹ, quần áo hàng hiệu giảm giá của Pháp, rạp chiếu phim Hàn Quốc, phòng chơi game đến từ Trung Quốc. Sự sôi động của bán lẻ khu vực ngoại thành khiến người dân ngoại ô TP.HCM không phải vào đến tận quận trung tâm để uống một ly Starbucks.

Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý
Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý
Trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức vào một buổi chiều thứ bảy, không khó để bắt gặp hình ảnh những đại gia đình ba thế hệ dạo chơi trong một trung tâm thương mại lớn mới khai trương hồi đầu năm 2019.

Việc dịch chuyển của các trung tâm thương mại cũng khiến một bộ phận lớn người dân tại các quận ngoại thành có thêm không gian tiếp xúc với các hình thức bán lẻ mới, đồng thời giảm bớt thời gian di chuyển để tiếp cận với các nhãn hiệu quốc tế như Adidas, McDonald’s, H&M, Mango.

Ảnh chụp một gia đình trước cửa trung tâm thương mại vào chiều thứ Bảy - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý
Một gia đình trước cửa trung tâm thương mại vào chiều thứ Bảy - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý

Trung tâm thương mại có xu hướng mở rộng, đặc biệt những quận ở ngoài khu vực trung tâm thành phố như Thủ Đức, Tân Phú, theo tổng hợp của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực rót tiền vào Việt Nam để mở rộng trung tâm thương mại. Theo báo cáo quý II.2019 của công ty nghiên cứu thị trường CBRE, diện tích các trung tâm thương mại trong khu vực các quận sẽ mở rộng. Riêng TP.HCM, quý 2.2019, đón thêm hai dự án trung tâm thương mại. Trong đó, TTTM TNL Plaza đầu tiên tại Quận 4 ra mắt và Aeon Tân Phú tăng diện tích lên gấp đôi.

Sự đan xen giữa mới và cũ - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý
Sự đan xen giữa mới và cũ - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, chủ đầu tư của Gigamall Thủ Đức khá có lý khi chọn vị trí khu vực phía Đông thành phố, nằm ngay trên trục đường vào trung tâm TP.HCM. Trong khi đó các khu vực khác đã có Aeon Tân Phú hay Aeon Bình Tân, nơi người dân có mức sống khá đồng đều với khu vực Thủ Đức.

Bản đồ thể hiện một số trung tâm thương mại lớn có diện tích trên 100.000 m2 - Ảnh: Google Map
Bản đồ thể hiện một số trung tâm thương mại lớn có diện tích trên 100.000 m2 - Ảnh: Google Map

Vào buổi chiều cuối tuần khác, Gigamall tổ chức cuộc thi văn nghệ, biểu diễn tài năng dành cho các bé dưới 15 tuổi tại ngay khu vực trung tâm của tầng trệt, khiến dòng người đổ về trung tâm nhiều hơn bình thường. Đa phần khách tham quan là các gia đình có con nhỏ. Trên thực tế, các hoạt động giải trí này khá phổ biến tại các trung tâm thương mại như Vivocity hay Aeon Tân Phú nhưng hầu như không xuất hiện tại các trong các trung tâm thương mại nội thành như Vincom Đồng Khởi.

Các trung tâm như Gigamall hay Aeon Tân Phú cách trung tâm Quận 1 khoảng 7-12km. Với đặc trưng cơ sở hạ tầng tại TP.HCM, người dân phải dành ra khoảng 30 phút đến 1 giờ để di chuyển vào các địa điểm trung tâm và ngược lại. Chưa kể những lúc giao thông cao điểm cả tuyến đường dễ rơi vào tình trạng kẹt xe. Các chuyên gia phân tích tại CBRE cũng cho rằng, hạ tầng kết nối giữa trung tâm và ngoại thành thành phố vẫn là yếu tố cản trở các nhà bán lẻ chọn các trung tâm trong thành phố để mở cửa trước khi tiến ra các khu vực ngoại ô thành phố.

Một bé gái mê mẩn trước một máy chơi điện tử trong khu vực giải trí của trung tâm thương mại - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý
Một bé gái say mê trước một máy chơi điện tử trong khu vực giải trí của trung tâm thương mại - Ảnh: Hoàng Việt/Tạp chí Nhà Quản Lý

Sau mười năm, dân số của riêng khu vực TP.HCM đã tăng thêm hai triệu người, hiện đang ở mức 8,6 triệu người, cao nhất cả nước, theo Tổng cục Thống kê. Tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 6%/năm kéo theo tầng lớp trung lưu đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới Worldbank.

Ngành lẻ của Việt Nam trải qua gần 20 năm tăng trưởng trên 10%, hấp dẫn các ông lớn bán lẻ nước ngoài, theo Tổng cục Thống kê. Mới đây nhà đầu tư TTTM đến từ Nhật Bản, Takashimaya cho biết trong chiến lược của mình sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất, tới 20% của Takashimaya.

Trong khi đó, các khu vực trung tâm đang có hơi hướng nhường chỗ cho bất động sản văn phòng. Một số trung tâm thương mại vắng khách quyết định chuyển đổi một phần diện tích thành không gian làm việc chung (coworking space). Gần đây, Toong, một nhà cung cấp coworking space, đã mở rộng diện tích tại khu phức hợp mua sắm của tòa nhà The Vista, Quận 2. Hai trung tâm thương mại khác là Leman (Quận 3) và Estella Place (Quận 2) cũng dành ra một phần diện tích bán lẻ cho khách thuê là doanh nghiệp phát triển coworking space.

Bài viết: Hoàng Việt - Dâng Phạm

dang.pham