Trung Quốc chính thức nhập khẩu chuối tươi từ Việt Nam, công ty của Bầu Đức được hưởng lợi?

Lam Giang

03/11/2022 10:39

Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến Bầu Đức bởi ông tự tin rằng “tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”.

Trung Quốc chính thức nhập khẩu chuối tươi từ Việt Nam

Ngày 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Nghị định thư gồm 8 điều, quy định về điều khoản chung, đăng ký, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến, kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, đánh giá bổ sung và hiệu lực của nghị định thư. Theo đó, nghị định thư sẽ có hiệu lực trong 5 năm. 

Theo các quy định, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa. Quả chuối chín hoặc nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Chuối tươi phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi quả chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ NN-PTNT và được cả Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

trung-quoc-chinh-thuc-nhap-khau-chuoi-tuoi-tu-viet-nam-cong-ty-cua-bau-duc-duoc-huong-loi-2-1667380882.jpg

   

 

Dưới sự giám sát của Bộ NN-PTNT, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ví dụ như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối…

Bộ NN-PTNT phải áp dụng quy trình quản lý để tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm.

Trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ NN-PTNT phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỉ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Nghị định thư nêu rõ các trường hợp bị từ chối xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc có đất, lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý. Đối với trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng cũng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thông báo cho Bộ NN-PTNT nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan. Theo kết quả chấn chỉnh của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ quyết định có hủy bỏ việc đình chỉ hay không.

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức được hưởng lợi?

Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam thì không thể không nhắc đến Bầu Đức bởi ông tự tin rằng “tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”.

Sau nhiều năm làm nông nghiệp với không ít thất bại, Bầu Đức đã tái cấu trúc và xác định trụ cột chính của HAGL là “một cây, một con” - trồng chuối và nuôi heo và có thể nhận thấy kết quả kinh doanh của HAGL đang dần lấy lại "hào quang" với mô hình này.

Mới đây, tại sự kiện ra mắt sản phẩm Bapi – Heo ăn chuối HAGL, Bầu Đức cũng chia sẻ rằng: “Tôi có thể khẳng định HAGL đã sang trang mới và tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp. Như chuối giá thành của chúng tôi là 6.500 đồng/kg nhưng có lúc bán ra 14.000 đồng/kg; giá heo hơi 43.000 đồng/kg, bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg. HAGL đã thoát nạn và bước sang trang mới tươi sáng với lợi nhuận từ nông nghiệp hàng ngàn tỷ mỗi năm".

trung-quoc-chinh-thuc-nhap-khau-chuoi-tuoi-tu-viet-nam-cong-ty-cua-bau-duc-duoc-huong-loi-1667380632.jpg
Ảnh: kinhtechungkhoan

Theo cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, lũy kế đến tháng 9/2022, HAGL đạt doanh thu thuần 3.183 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn trái vẫn là mảng doanh thu chủ lực với 1.707 tỷ đồng, tiếp đến là mảng chăn nuôi với 981 tỷ đồng và mảng phụ trợ đem về 495 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 894 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch đề ra trong năm 2022.

Xét về sản lượng tiêu thụ của cây ăn trái, lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn tiêu thụ 202.150 tấn cây ăn trái (bao gồm 127.866 tấn chuối xuất khẩu và 74.284 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc).

Trở lại câu chuyện cơ duyên đến với trồng chuối của Bầu Đức, ông bắt đầu từ nỗi hoài nghi về thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn của nước láng giềng Trung Quốc. Do thấy nông sản nước mình hay bị ùn tắc tại cửa khẩu nên ban đầu, ông không có niềm tin về việc buôn bán ở thị trường tỷ dân này. Tuy nhiên, khi khảo sát thực địa, nhận thấy cả thế giới đều đang “thèm khát” thị trường Trung Quốc thì Bầu Đức cũng nhận ra rằng thật sự mình không cung cấp nổi nhu cầu siêu lớn của họ.

Còn vì sao lại là chuối mà không phải loại trái cây nào khác? Bởi mục tiêu của Bầu Đức là doanh số 1.000 - 2.000 tỷ đồng trở lên thì chỉ có cây chuối có thể đáp ứng nổi. Ngoài chuối, cũng có nhiều loại cây khác nhưng vì mức độ quy mô không lớn nên sẽ khó đạt doanh thu như kỳ vọng. Thêm vào đó, chuối cũng là trái cây mang lại lợi nhuận cao. 

Theo Bầu Đức, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp là đầu ra và với trái chuối, Trung Quốc chịu ăn rồi là không bao giờ làm đủ cả. Theo khảo sát của đội nghiên cứu HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc là khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2021, HAGL có tổng diện tích cây ăn trái khoảng 10.000ha. Trong đó, diện tích chuối đã là 5.000 ha (bao gồm 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia) và các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài…

Trong năm 2022, công ty sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích lên 7.000 ha. Dự kiến trong tương lai, HAGL sẽ phát triển lên 10.000 ha và trở thành một trong những nhà cung cấp chuối lớn trong khu vực và trên thế giới. Hiện HAGL cũng nằm trong nhóm 500 nhà buôn chuối lớn nhất thị trường Trung Quốc.

Lam Giang