Trên đường tìm câu trả lời

caodung

04/11/2020 11:43

Dòng người đứng đợi bỏ phiếu xếp thành từng hàng dài ngoằn nghèo và gấp khúc trong ngày 3.11 được ví như những khúc ruột làm nên nền dân chủ Mỹ.

Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump là sai lầm, nhiệm kỳ phá vỡ chuẩn mực và gây chia rẽ chủng tộc của Trump hoàn toàn không phù hợp với một quốc gia như Mỹ.

It’s not who we are, not what America is”, Biden thường xuyên phát biểu, khẳng định hành xử kiểu Tổng thống Trump không đại diện cho nước Mỹ và người dân Mỹ.

Nhưng vào cuối chiến dịch năm 2020, một quốc gia bồn chồn, chìm trong tranh cãi quay mũi dùi lại chính Biden: Ông có chắc nước Mỹ không phải như Trump thể hiện không?

Đối với hàng triệu cử tri ủng hộ Trump, bốn năm qua là khoảng thời gian mà mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Họ cảm thấy mình có một tổng thống biết chính xác họ là ai. Họ vui mừng với việc gia tăng công ăn việc làm trước khi đại dịch tấn công, thay đổi trong luật thuế, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và xu hướng hữu khuynh đang nổi lên tại Tòa án Tối cao. Họ thường bộc phát ủng hộ ngay cả khi ông Trump tấn công mạnh mẽ giới tinh hoa và thể chế, chống lại mối đe dọa trật tự xã hội mà phe bảo thủ mong muốn, chống lại kẻ thù chung của cả hai bên.

Đối với nhiều người theo Đảng Dân chủ, Nhà Trắng bây giờ còn xấu xí hơn nhiều: chia rẽ nội bộ để mưa cầu lợi ích riêng và tăng cường quyền lực cá nhân cho ông Trump, thúc đẩy nước Mỹ đi thụt lùi để trả đũa và nâng đỡ những nhà lãnh đạo tối cao da trắng, cường quyền nước ngoài và bất kỳ ai khác ủng hộ cấp trên.

Cuối cùng, cuộc xung đột kéo dài, về tầm vóc nước Mỹ trong tương lai, về việc vị Tổng thống hiện tại là người bảo hộ hay kẻ hủy diệt của quốc gia, sẽ sớm được các cử tri chốt lại.

Nhưng ngay cả trước khi phán quyết đó được đưa ra, mùa bầu cử này vốn đã trả lời được một số câu hỏi về bản chất nước Mỹ, từ bằng chứng về những gì ông Trump đã làm và chưa làm được, và từ những gì đang chờ đợi ông Biden nếu đắc cử.

Nước Mỹ giờ đây là nơi mà các doanh nghiệp ở nhiều thành phố dựng rào chắn do lo ngại bạo động bầu cử, là nơi hai đảng phái mơ mộng về việc đối thủ chính trị của mình phải vào tù, và là nơi Tổng thống tại vị thúc ép Bộ Tư pháp phải tuân theo ý mình. Mỹ là quốc gia mà những người biểu tình thuộc phong trào Black Lives Matter xả cơn phẫn nộ trên đường phố và là nơi các đoàn người ủng hộ Trump lấp đầy đường cao tốc và đường thủy để giương cờ “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Đó là một quốc gia mà niềm tin vào các thể chế, vốn đã ảm đạm, giờ càng suy yếu sau một năm chính quyền liên bang không thể bảo vệ người dân trước đại dịch chết người.

Và, nếu suy từ tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục, là một quốc gia mà người dân bị lung lay hơn bao giờ hết, nên họ phải đứng lên và góp tiếng nói, bất chấp sự lây lan của virus và những rào cản khiến họ không thể đi bỏ phiếu. Người dân Mỹ đến các địa điểm bỏ phiếu với khẩu trang và găng tay, chuyển tận tay phiếu bầu được để đề phòng gian lận. Họ đứng đợi trong những hàng dài ngoằn ngoèo và gấp khúc trên khắp các khu phố. Họ là những khúc ruột làm nên nền dân chủ.

“Tôi thật tình không thể nói là thể chế nào đang hiệu quả, nhưng tôi biết rõ một điều rằng sức mạnh của người dân chắc chắn chiến thắng”, Aalayah Eastmond, 19 tuổi, một người sống sót sau vụ xả súng ở Parkland, Florida năm 2018 cho biết. Đây là lần đầu tiên cô được làm cử tri và đã dành gần cả năm ở thủ đô Washington để phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.

Liệu có thể hoàn tác được bao nhiêu hành động trong quá khứ, và cử tri mong muốn việc đó diễn ra đến mức nào, là câu hỏi mà không chiến dịch nào có thể trả lời triệt để. Rủi ro luôn tồn tại trong lý tưởng của một quốc gia đã chọn người kế nhiệm tổng thống da màu đầu tiên là một người đàn ông thúc đẩy phân biệt chủng tộc dựa vào thuyết âm mưu về nơi sinh của người tiền nhiệm.

Nhưng bằng cách nào đó, dựa trên sự chia rẽ của các lựa chọn, kết quả cuộc bầu cử sẽ đặc biệt tiết lộ về cách nước Mỹ nhìn nhận về bản thân và những gì họ mong đợi ở các nhà lãnh đạo của mình.

Trong các cuộc phỏng vấn vào mùa thu, các cử tri ủng hộ hai bên đã mô tả lo ngại rằng họ sẽ sớm chẳng thể nào nhận ra nước Mỹ.

“Bạn biết được rất nhiều điều về bản thân, về những người khác và về đất nước. Sự phân cực tuyệt đối thật đáng sợ”, Luke Hoffman, 36 tuổi, đứng bên ngoài Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia trong chiếc khẩu trang in chữ cổ động “Bỏ phiếu”.

Katherine Smarch, 51 tuổi, từ nơi khác đến Lansing, bang Michigan để nghe Eric Trump phát biểu vào tháng trước, nói rằng bất kỳ tình cảm ủng hộ Trump nào mà cô bày tỏ trên mạng xã hội đều sẽ gặp phải sự chế nhạo và thù địch.

“Thật là quá sức xa lạ,” cô cảm thấy điều này chỉ có thể xảy ra ở nước khác.

Tuy vậy, việc này ít nhất cũng đem lại chút an ủi, rằng cuộc bầu cử đang diễn ra với lượng thông tin gần như đầy đủ về cả hai lựa chọn.

Bốn năm trước, khi khả năng Trump thắng cử còn chưa rõ, ông từng hỏi cử tri “Bạn có gì để mà mất?”. Giờ đây dân Mỹ không được phép sai lầm trước sự nghiêm trọng và trách nhiệm chọn ra người đứng đầu Nhà Trắng.

Đã từng có suy nghĩ rằng trọng trách công việc sẽ biến chuyển con người Trump, rằng hệ thống quyền lực sẽ đối soát ông, rằng “những người trưởng thành trong Nhà Trắng” (cách họ thường thích được gọi) sẽ cản ông hành động liều lĩnh.

Thực tế không như vậy. Trump vẫn luôn như trước.

Các thể chế thường quy phục ông, dưới sự trợ giúp của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội. Các cố vấn và trợ lý đến rồi đi, khi ở lại cũng hiếm khi lên tiếng phản đối.

Và trong thời gian vận động tranh cử đến giờ khắc cuối cùng, ông Trump khiến không ai còn nghi ngờ, rằng nhiệm kỳ thứ hai sẽ không khác gì nhiệm kỳ đầu: hỗn loạn, trả đũa, không đoái hoài gì đến thống nhất.

Ngay cả trong nỗi đau chung của năm nay do đại dịch và một phần phong tỏa, ông Trump vẫn chủ trì các cuộc đụng độ đảng phái liên quan đến các chủ đề từng phi chính trị như việc tuân thủ các hướng dẫn y tế công cộng, thúc đẩy sự chia rẽ trên toàn quốc gia.

"Khẩu trang của anh đâu?", những người ủng hộ Biden trong cuộc diễu hành của đảng Dân chủ ở Atlanta đã đồng loạt hô vang chống lại những người phản đối họ.

"Tã giấy của anh đâu?" phía ủng hộ tổng thống gào thét lại, chế nhạo sự thận trọng của phe đối lập.

Một loạt các thông điệp kết của ông Trump trong những tuần gần đây bao gồm phỏng đoán các bác sĩ đang thổi phồng số người chết do COVID-19 để thu lợi, mối thù cá nhân kéo dài với chương trình truyền hình "60 Minutes"; và ẩn ý rằng ông sẽ từ chối chấp nhận kết quả bỏ phiếu bất lợi cho mình.

Còn thông điệp của ông Biden dường như dồn vào một câu hỏi nhất quán hơn: “Tin nổi gã này không?”

Nước Mỹ sắp trả lời câu hỏi này.

Lược dịch từ The New York Times. Tựa đề do BBT đặt.

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Trên đường tìm câu trả lời" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.