Trong báo cáo số 3364 vừa được Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng ký ban hành, Sở nhận định việc phân cấp sâu hơn cho chính quyền cấp xã trong một số lĩnh vực quản lý đất đai là cần thiết và phù hợp với thực tiễn quản lý tại TP.HCM – nơi dân cư đông đúc, nhu cầu cấp sổ hồng cho cá nhân phát sinh thường xuyên và đòi hỏi xử lý kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường đang quản lý tổng cộng 304 thủ tục hành chính, trong đó có đến 237 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 19 thủ tục thuộc cấp xã (đề xuất giữ nguyên), và 48 thủ tục đang do cấp huyện thực hiện. Qua rà soát, Sở TN-MT đề xuất tái phân bổ 48 thủ tục này: chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục giao về cấp xã và bãi bỏ 6 thủ tục do trùng lặp hoặc không còn phù hợp.
Việc chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân về cấp xã được đánh giá là giải pháp đột phá, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công, giảm tải cho cấp huyện, đồng thời tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Sở TN-MT cho biết, hiện đang có 10 nhóm vấn đề nổi cộm cần được rà soát, điều chỉnh theo Luật Đất đai năm 2024. Trong đó có các nội dung quan trọng như điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thẩm quyền giao đất – cho thuê đất – thu hồi đất, cấp sổ hồng, quản lý quỹ đất công, chính sách bồi thường – hỗ trợ – tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
Trên cơ sở đó, Sở kiến nghị cần sớm có hướng dẫn chi tiết và điều chỉnh thẩm quyền tương ứng theo hướng giao nhiều hơn cho cấp xã, trong khi các nghiệp vụ chuyên sâu như xây dựng quy hoạch sử dụng đất, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, công tác thanh tra, kiểm tra… vẫn sẽ do cấp tỉnh đảm nhận để đảm bảo tính thống nhất và chuyên môn cao.
Một nội dung quan trọng khác được Sở TN-MT đề xuất là tái cấu trúc lại hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ). Hiện TP.HCM đang vận hành 22 chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng tổ chức lại đơn vị hành chính và mô hình chính quyền hai cấp, Sở đề xuất hợp nhất lại còn khoảng 9 đến 12 cụm văn phòng, bố trí theo khu vực địa lý hợp lý và lưu lượng hồ sơ.
Mô hình theo cụm này sẽ giúp giảm thiểu việc người dân phải di chuyển xa khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đồng thời tinh gọn đầu mối quản lý, tối ưu hóa sử dụng nguồn nhân lực, tăng tính chuyên nghiệp trong vận hành.
Để việc phân cấp, tổ chức lại hệ thống quản lý nhà nước về đất đai diễn ra đồng bộ và hiệu quả, Sở TN-MT cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi các luật hiện hành, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Việc này nhằm tránh khoảng trống pháp lý và tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất, đảm bảo sự thành công của mô hình chính quyền hai cấp.
Nếu đề xuất được thông qua, người dân TP.HCM, đặc biệt là tại các xã, phường sẽ được hưởng lợi lớn từ mô hình phân cấp mới. Việc cấp "sổ hồng" lần đầu – vốn trước đây thường mất nhiều thời gian và phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan – sẽ được giải quyết ngay tại địa phương, nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Đây cũng là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân một cách thiết thực, cụ thể, đúng với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm” trong cải cách hành chính mà Chính phủ và TP.HCM đang hướng tới.