
Cơ hội kết nối và kí kết giữa các doanh nghiệp
Với sự tham dự của hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố; đại diện các Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn cũng có mặt để tham gia kết nối, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh và bền vững.
Hội nghị cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố kết nối với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử.
Đồng thời là dịp để giao lưu, gặp gỡ các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối và khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và định hướng xuất khẩu.

Theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình: góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của Quảng Bình nâng tầm và vươn xa, tỉnh đã triển khai 2 chương trình bình chọn sản phẩm thu hút được nhiều chủ thể sản xuất tham gia, đó là Chương trình Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, còn gọi là chương trình OCOP.
Theo đó, dựa trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Cũng theo ông Phan Hoài Nam: Quảng Bình vùng đất nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, hội tụ nhiều yếu tố để thu hút các nhà đầu tư. Với những tiềm năng lợi thế riêng có, cùng với chủ trương và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã tạo thành động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đăng ký và triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ tiến tới ký kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh.
Hàng loạt gian hàng được thiết kế bắt mắt, giới thiệu các sản phẩm OCOP chất lượng cao thuộc nhiều lĩnh vực như: nông – lâm – thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, đồ gỗ, dệt may, thời trang, mỹ phẩm và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên toàn quốc hội tụ về. Đây cũng là cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm về kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự giao lưu hợp tác sẽ tạo điều kiện mở ra những “đơn hàng” giữa các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Sử dụng nền tảng số tối ưu quá trình tiếp thị và phân phối sản phẩm
Hội nghị đã diễn ra phiên thảo luận giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất của các khu vực nhằm nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ, trao đổi mua bán, nhu cầu khách hàng, khai thác tiềm năng thế mạnh của các đơn vị.
Theo đó, các đại biểu đã chia sẻ giải pháp quả để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm, kết nối đan xen kênh phân phối truyền thống vào kênh tiêu thụ hiện đại trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4.0; quy hoạch vùng nguyên liệu; định hướng thị trường, kể câu chuyện văn hóa về bản sắc, tạo ra lợi thế cạnh tranh; chủ thể nâng cao nâng cao năng lực quản trị, năng lực kinh doanh; kết nối cung cầu, liên kết vùng với các địa phương….

Ông Phan Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết nối giao thương, khai thác tiềm năng sản phẩm địa phương để tiến tới ký kết các biên bản hợp tác, hợp đồng thương mại, góp phần phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Bên cạnh đó, thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có cách nhìn về về chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp trong tiếp thị và phân phối sản phẩm tốt hơn”
Các phiên thảo luận chuyên đề diễn ra sôi nổi, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường, kết nối giữa các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ, nền tảng số nhằm tối ưu hóa quá trình tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Đặc biệt, hội nghị còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại điện tử. Buổi tập huấn chuyên đề về kỹ năng bán hàng và ứng dụng nền tảng Tiktok giúp các đơn vị nâng cao năng lực tiếp cận thị trường online.
Các gian hàng trưng bày tại hội nghị cũng sẽ tiếp tục tham gia chuỗi hoạt động tại Hội chợ Thương mại Bắc Trung Bộ Quảng Bình 2025, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp các sản phẩm OCOP chất lượng, an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có có 220 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 184 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 33 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao) và 202 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 43 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung- Tây Nguyên và 12 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. |