TP.HCM đã hủy 169 dự án xây dựng nhà ở chậm triển khai

Đại Phúc

11/12/2022 04:55

Từ năm 2016 đến năm 2022, HĐND TP.HCM đã có 13 nghị quyết cho phép chuyển mục đích và thu hồi đất đối với 1.532 dự án. Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 451 dự án, đang triển khai thực hiện 718 dự án. Trong đó có 357 dự án chậm triển khai, đã hủy 169 dự án, còn lại đang xem xét.

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết đối với việc xử lý các dự án chậm triển khai, từ năm 2016 đến năm 2022, HĐND TP.HCM đã có 13 nghị quyết cho phép chuyển mục đích và thu hồi đất đối với 1.532 dự án. Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 451 dự án, đang triển khai thực hiện 718 dự án. Trong đó có 357 dự án chậm triển khai, đã hủy 169 dự án, còn lại đang xem xét.

Ông Thắng khẳng định rằng với tất cả dự án đủ điều kiện đưa vào sử dụng đất, triển khai các bước nhưng chậm triển khai mà không có lý do chính đáng thì cơ quan chức năng sẽ quyết liệt xử lý.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở, ngành rà soát 401 dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã ra 87 văn bản đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Tính từ đầu năm nay đến tháng 10/2022, thành phố đã cấp được 21.218 cấp giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số dự án có vướng mắc về pháp lý, sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ.

Cũng tại kỳ họp, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trình bày tờ trình về việc tăng thêm hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 (hệ số K).

Theo tờ trình, UBND TP.HCM quy định hệ số K năm 2023 tăng 1,0 so với năm 2022 được ban hành tại Quyết định 53/2021 của UBND TP.HCM (tương ứng hệ số 2,5 đến 3,5 so với bảng giá đất).

Khi đó, giá đất sau khi nhân với hệ số điều chỉnh bằng khoảng 18%-50% giá thị trường (tùy theo khu vực, mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất).

33-1670709204.jpg
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với diện tích vượt hạn mức thì áp dụng hệ số K=2,5 lần bảng giá đất (hệ số K năm 2022 là 1,5 lần).

Trường hợp đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm (chia làm năm khu vực) thì tùy vào mục đích sử dụng đất; đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 cao nhất là 3,5 lần; thấp nhất là 2,7 lần giá đất do UBND TP.HCM công bố và quy định.

Đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá; cho thuê đất nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 cao nhất là 3,5 lần; thấp nhất là 2,7 lần giá đất do UBND TP công bố và quy định.

Đối với Khu công nghệ cao, tùy từng mục đích sử dụng đất, đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 cao nhất là 3,5 lần, thấp nhất là 2,5 lần giá đất do UBND TP.HCM công bố và quy định.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, việc tăng hệ số K năm 2023 thêm 1,0 có ảnh hưởng nhất định đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức.

UBND thành phố nhìn nhận, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường.

Đại Phúc