Tình hình kinh doanh của các ngân hàng Quý I năm 2022 ra sao?

Lưu Hằng

19/03/2022 21:17

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022.

msb-1647698216.jpg

Kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với con số khởi đầu khả quan

Tín hiệu khả quan quý I đầu năm 2022

Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới đây, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc  cho biết lãi quý I của VIB ước đạt 2.200 tỷ, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm, với tăng trưởng tín dụng trên 5%.

Năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài ra , VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư vào tháng 2, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc tài chính Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã tiết lộ về kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022 với con số khởi đầu khả quan.

Bà Thu Hằng cho biết, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB tăng 2.350 tỷ đồng so với 31/12/2021 và lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 577 tỷ đồng. Trong khi đó MSB chuẩn bị  ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài, dự kiến thương vụ này mang về khoảng 1.800 tỷ - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm nay.

Trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30%, quy mô tài sản 10% - 15%, dự kiến mức chia cổ tức tỷ lệ 30%.

Còn ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư mới đây thì cho biết lợi nhuận hợp nhất quý I của MB đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Theo chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022 - 2026, MB đặt ra mục tiêu tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Trong đó, MB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 45.000 tỷ đồng.

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) trong báo cáo phân tích mới đây cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Đồng thời, ROE của MB năm 2022 có thể đạt 26,3% - mức cao thứ hai toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022. Ngoài ra các TCTD cho biết có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước và từ 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Trong quý I, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (46,5% TCTD lựa chọn). Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương.

Trên thực tế, các ông lớn thuộc nhóm Big4 ngân hàng cũng đã đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trên 10%.

Cụ thể, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế 10% - 20% trong năm 2022 hay Vietcombank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% so với 2021.

Ngành ngân hàng là một trong các nhóm ngành được các chuyên gia phân tích đánh giá có triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của nhu cầu tín dụng và tiềm năng từ các mảng dịch vụ thu phí.

Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, bà Trần Thị Khánh Hiền dự báo sẽ có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc trong năm 2022, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi như bancassurance sẽ có lợi thế.

Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán SSI cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng.

Các chuyên gia ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. 

tpbank-1647698015.jpg
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% chỉ tiêu đã đặt ra

Lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng ra sao?

TPBank công bố kết quả kinh doanh năm 2021 cho biết tổng tài sản của TPBank tăng gần 42%, vượt trên 17% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% chỉ tiêu đã đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%. Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

ABBank cho biết tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ở mức 121.620 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng hoàn thành kế hoạch cổ đông giao. Dư nợ tín dụng đến cuối năm ở mức 78.640 tỷ đồng, tương đương tăng 13% so với năm 2020.  Năm 2021 là năm đầu tiên năng suất lao động bình quân của mỗi nhân viên của ABBank đạt 511 triệu đồng/người, tăng 42% so với năm 2020 do ABBank tập trung hóa triệt để và ứng dụng công nghệ cho các hoạt động thẩm định và phê duyệt tín dụng, vận hành tín dụng, kho quỹ…

NCB cho biết lũy kế cả năm 2021, ngân hàng lãi trước thuế hơn 2,3 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước. Đến 31/12/2021, tổng tài sản ở mức 73.784 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 3% 41.615 tỷ đồng. Tổng nợ xấu ở mức 1.249 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối năm 2020. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 10 lần, ở mức 603 tỷ đồng và nợ nghi ngờ gấp đôi, lên 464 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ 1,51% đầu năm lên 3%. Về nguồn vốn, tiền gửi của tổ chức tín dụng khác giảm đến 95% so với đầu năm, còn gần 473 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng giảm 10%, xuống hơn 64.520 tỷ đồng.

Viet Capital Bank cho biết cả năm báo lãi gần 311 tỷ đồng, tăng 55%, vượt 7% kế hoạch. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản gần 76.600 tỷ đồng, tăng 25% so với 2020. Tổng huy động vốn đạt hơn 70.000  tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 16% so với năm trước. Tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 6% so với đầu năm, chiếm 1.176 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ 2,79% đầu năm xuống còn 2,53%.

Bac A Bank báo cáo cho biết cả năm lãi trước thuế 908 tỷ đồng, tăng 24%, vượt 30% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản tăng 2% so với đầu năm, lên mức 119,792 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 6%, ở mức 84.598 tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 8% so với đầu năm đạt 93,440 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 4% so với đầu năm, chiếm hơn 655 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm so với đầu năm về mức 0,77%.

MSB cũng báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.168 tỷ đồng theo số liệu của riêng mảng ngân hàng, vượt gần 58% so với mục tiêu, gấp đôi năm trước. Tổng tài sản đạt 203.700 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm, vượt con số kế hoạch là 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng. Tín dụng MSB tăng trên 20% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

VIB cũng báo năm 2021 lãi hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận gần 310.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 200.000 tỷ, tăng 19%. Tổng nguồn huy động đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 27%. Riêng tiền gửi CASA tăng trưởng bứt phá 55%, chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng.  So với các quý trước, tăng trưởng lợi nhuận quý IV của ngân hàng chậm lại, một phần do nền so sánh cao của năm trước và một phần do các nhà băng chủ động trích lập dự phòng nợ xấu.

Agribank báo cáo cho biết kết quả kinh doanh năm 2021 của ngân hàng này lãi hơn 14.000 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng đạt hơn 13.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%. Tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% trên tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này toàn ngành.

Lưu Hằng