Lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng ra sao?

Lưu Hằng

21/01/2022 19:32

Các ngân hàng đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2021, nhiều ngân hàng lãi, trong khi một số đơn vị báo lỗ.

tpbank-1642767535.jpg
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của TPBank đạt 6.038 tỷ đồng,

TPBank là ngân hàng tư nhân đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Tổng tài sản của TPBank tăng gần 42%, vượt trên 17% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% chỉ tiêu đã đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%. Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

ABBank cho biết tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ở mức 121.620 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng hoàn thành kế hoạch cổ đông giao. Dư nợ tín dụng đến cuối năm ở mức 78.640 tỷ đồng, tương đương tăng 13% so với năm 2020.  Năm 2021 là năm đầu tiên năng suất lao động bình quân của mỗi nhân viên của ABBank đạt 511 triệu đồng/người, tăng 42% so với năm 2020 do ABBank tập trung hóa triệt để và ứng dụng công nghệ cho các hoạt động thẩm định và phê duyệt tín dụng, vận hành tín dụng, kho quỹ…

NCB cho biết lũy kế cả năm 2021, ngân hàng lãi trước thuế hơn 2,3 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước. Đến 31/12/2021, tổng tài sản ở mức 73.784 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 3% 41.615 tỷ đồng. Tổng nợ xấu ở mức 1.249 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối năm 2020. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 10 lần, ở mức 603 tỷ đồng và nợ nghi ngờ gấp đôi, lên 464 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ 1,51% đầu năm lên 3%. Về nguồn vốn, tiền gửi của tổ chức tín dụng khác giảm đến 95% so với đầu năm, còn gần 473 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng giảm 10%, xuống hơn 64.520 tỷ đồng.

Viet Capital Bank cho biết cả năm báo lãi gần 311 tỷ đồng, tăng 55%, vượt 7% kế hoạch. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản gần 76.600 tỷ đồng, tăng 25% so với 2020. Tổng huy động vốn đạt hơn 70.000  tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 16% so với năm trước. Tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 6% so với đầu năm, chiếm 1.176 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ 2,79% đầu năm xuống còn 2,53%.

Bac A Bank báo cáo cho biết cả năm lãi trước thuế 908 tỷ đồng, tăng 24%, vượt 30% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản tăng 2% so với đầu năm, lên mức 119,792 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 6%, ở mức 84.598 tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 8% so với đầu năm đạt 93,440 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 4% so với đầu năm, chiếm hơn 655 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm so với đầu năm về mức 0,77%.

MSB cũng báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.168 tỷ đồng theo số liệu của riêng mảng ngân hàng, vượt gần 58% so với mục tiêu, gấp đôi năm trước. Tổng tài sản đạt 203.700 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm, vượt con số kế hoạch là 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng. Tín dụng MSB tăng trên 20% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

VIB cũng báo năm 2021 lãi hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận gần 310.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 200.000 tỷ, tăng 19%. Tổng nguồn huy động đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 27%. Riêng tiền gửi CASA tăng trưởng bứt phá 55%, chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng.  So với các quý trước, tăng trưởng lợi nhuận quý IV của ngân hàng chậm lại, một phần do nền so sánh cao của năm trước và một phần do các nhà băng chủ động trích lập dự phòng nợ xấu.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, đặc điểm kinh doanh của các ngân hàng thường vào quý cuối năm sẽ có sự tăng tốc, nhất là trong năm 2021, khi các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM bắt đầu hoạt động trở lại mạnh mẽ từ quý IV/2021, sau thời gian giãn cách. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của OCB ước đạt 5.523 tỷ đồng. Điều này cho thấy, triển vọng của ngành ngân hàng đang trên đà đi lên sau đại dịch và dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2022.

Agribank báo cáo cho biết kết quả kinh doanh năm 2021 của ngân hàng này lãi hơn 14.000 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng đạt hơn 13.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%. Tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% trên tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này toàn ngành.

Một số ngân hàng quốc doanh cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 như Vietcombank, BIDV, VietinBank nhưng đều "né" tiết lộ lợi nhuận trực tiếp.

Lưu Hằng
Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng ra sao?" tại chuyên mục Tài chính.