Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vừa qua cho biết có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí tại nước ngoài của PVN với chi phí 773 triệu USD không thành công và đang làm thủ tục chấm dứt dự án. Ngoài ra, dự án Jurin 2 với vốn đầu tư 660 triệu USD - triển khai ở Venezuela, đất nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng cũng đang bị hoãn tiến độ. Hai dự án tại Peru với vốn đầu tư 849 triệu USD đang được xin chủ trương chuyển nhượng.
Tổng giá trị các dự án tại nước ngoài đang gặp khó khăn, có thể nói là thất bại, của PVN là 2,3 tỉ USD, tương đương trên 50.000 tỉ đồng.
PVN - doanh nghiệp nhà nước chuyên khai thác dầu khí hàng năm có được từ 200.000 - 300.000 tỉ đồng doanh thu nhờ dầu thô và các sản phẩm liên quan.
Khai thác dầu mỏ là một hoạt động đầu tư đầy rủi ro. Phần lớn nguồn dầu thô thường nằm sâu khoảng 200 - 7000 mét dưới lớp đất đá dày. Sau khi phân tích địa chất, khoan thăm dò...và nhận thấy mỏ dầu xứng đáng để khai thác, người ta sẽ đưa giàn khoan (thường là ra biển) để khai thác. Chi phí cho một giàn khoan tự nâng, theo dữ liệu từ PVDrilling, dao động quanh mức 40.000 - 60.000 USD/ngày.
Vào năm 2013, liên doanh nhà thầu Talisman (Canada) và Petronas Carigali Overseas (Malaysia) đã phải dừng dự án khai thác mỏ Sông Đốc và chuyển giao lại cho chính phủ Việt Nam sau năm năm vận hành không hiệu quả.
Kể từ khi hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí đầu tiên được ký kết năm 1987, PVN đã thay mặt Chính phủ ký kết hàng trăm hợp đồng với các hãng nước ngoài thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa nước ta với tổng lượng tiền lên tới hàng chục tỉ USD - Tuổi trẻ đưa tin. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư đã phải chấp nhận mất vốn, bỏ cuộc.
Năm 2015, Shell cũng đã từ bỏ kế hoạch thăm dò và khai thác dầu mỏ tại Alaska sau khi chi tới 7 tỉ USD trong 9 năm cho hoạt động tìm kiếm.
Doanh thu và lợi nhuận đáng mơ ước của các công ty khai thác dầu mỏ chỉ có được khi các mỏ khai thác thành công.
Giá dầu sụt giảm mạnh trong năm năm trở lại đây, tạo một mặt bằng giá mới. Các doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác lao đao khi doanh thu không bù đắp nổi chi phí đầu tư khổng lồ. Nhu cầu khai thác dầu sụt giảm, các doanh nghiệp cho thuê giàn khoan như PVDrilling cạnh tranh bằng cách giảm giá, giảm sâu biên lợi nhuận, thậm chí bỏ không giàn khoan không có khách thuê. Lợi nhuận của PVDrilling đã giảm sâu từ mức 2.530 tỉ đồng năm 2014 xuống còn gần 200 tỉ đồng năm 2018.
Bên cạnh khó khăn chung về kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài khai thác dầu khí còn chịu thêm rủi ro chính trị khi quốc gia đầu tư gặp bất ổn.
Dự án Jurin 2 tại Venezuela là một ví dụ. Đến nay chưa có thông tin về thời gian gia hạn dự án. Nền kinh tế Venezuela đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng với tỷ lệ lạm phát lên tới con số hàng trăm nghìn phần trăm cùng với những bất ổn về chính trị chưa tìm ra nút gỡ. Thời gian để Venezuela phục hồi kinh tế, qua đó có thể tiếp tục vận hành dự án Jurin 2, có thể tính bằng thập kỷ. Việc tồn đọng một khoản đầu tư không hề sinh lợi, nếu không muốn nói là thua lỗ do khấu hao, trị giá hàng trăm triệu USD trong thời gian hàng chục năm đặt PVN trước rủi ro mất vốn, gánh nặng lãi vay…
Với các khoản đầu tư trên 2,3 tỉ USD, biến động tỉ giá có thể khiến PVN phải ghi nhận khoản lỗ hàng nghìn tỉ đồng trong tương lai do chênh lệch tỉ giá hối đoái lúc vay đầu tư và lúc trả nợ.
Đóng góp về mặt sản lượng khai thác của các dự án nước ngoài hiện vẫn hết sức khiêm tốn.
Báo cáo của PVN cho biết sản lượng khai thác dầu khí tại nước ngoài trong bốn năm trở lại đây chỉ xoay quanh 2 triệu tấn, chiếm chưa đến 17% tổng sản lượng khai thác dầu thô của toàn tập đoàn. Nhu cầu lọc dầu tăng khi dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu đi vào hoạt từ giữa năm 2018 khiến nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam tăng vọt. Tính đến giữa tháng 5.2019, xăng dầu thuộc tốp 10 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Đan Nguyên