Với quyết định này, toàn bộ các dự án (bao gồm ba dự án đầu tư công trước đó) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ được thực hiện bằng hình thức đầu tư công.
Chuyển đổi sang hình thức đầu tư công có thể giúp việc giải ngân diễn ra nhanh hơn.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất các giải pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án muộn nhất là tháng 8 năm 2020.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (trong đó có đầu tư công) chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, là mức tăng thấp nhất trong năm năm trở lại đây, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ, điều chỉnh lãi suất ngân hàng, chính phủ cần cân nhắc sử dụng các chính sách tài khoá để vực dậy nền kinh tế đang suy giảm do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ là hai công cụ điều hành thị trường nhất của chính phủ. Trong khi giảm lãi suất hay các gói cứu trợ là công cụ của chính sách tiền tệ thì công cụ tài khoá thường được các chính phủ sử dụng để kích cầu nền kinh tế là đầu tư công.
Với các dự án hạ tầng được đầu tư, sẽ có hàng nghìn việc làm trực tiếp được tạo ra. Bên cạnh đó là các việc làm gián tiếp với nguyên vật liệu cung ứng cho dự án (xi măng, sắt thép…). Tạo việc làm, thu nhập và đảm bảo cơ sở hạ tầng vận hành nền kinh tế là cách tốt nhất kích cầu, qua đó tăng trưởng năng lực sản xuất, vực dậy nền kinh tế.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng cho rằng, một trong những biện pháp vực dậy nền kinh tế hiện tại là thúc đẩy đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao, nhất là trong khu vực phía Nam. Theo ông Linh nhận định, tốc độ đầu tư công tăng nhanh hơn đầu tư tư nhân và khu vực FDI nhưng quy mô đầu tư công đang thấp hơn khu vực tư nhân. Trong thời gian tới, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu tư khu vực tư nhân và FDI có thể giảm.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (gọi tắt là dự án cao tốc Bắc - Nam) giai đoạn 2017 - 2021 được chia làm 11 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 119 nghìn tỉ đồng, có tổng chiều dài hơn 650 km, đi qua 13 tỉnh từ Nam Định đến Vĩnh Long.
Theo nghị quyết trước đó của Quốc hội, có ba trong tổng số 11 dự án được đầu tư công bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Tám dự án còn lại được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với các nhà đầu tư trong nước, bao gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.
Hình thức đầu tư PPP được hiểu là hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng liên kết để thực hiện một dự án, thông thường là các dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Theo hình thức này, doanh nghiệp có thể dùng vốn tự có, hoặc vay vốn để thực hiện dự án, được khai thác kinh tế trên dự án đó bằng cách thu phí trong một thời gian, sau đó bàn giao lại dự án cho nhà nước, trở thành tài sản công. Doanh nghiệp cũng có thể thực hiện dự án và bàn giao ngay cho nhà nước, đổi lại được giao quyền sử dụng đất cho một dự án khác.
Khác với PPP, hình thức đầu tư công sử dụng hoàn toàn nguồn vốn của nhà nước, và là một thành phần của chi tiêu chính phủ. "Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (Luật Đầu tư công 2014).
Minh Thư