Sáp ong – Sắc chàm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng cao

Hạ Anh

12/11/2023 09:24

Chiều 10/11 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức khai mạc sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030", giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

sap-ong-sac-cham-pld-1699637078.jpg
Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm” kể câu chuyện bảo tồn và phát huy kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống, một tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc Mông và dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền) tại hai tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và làm việc với nhóm phụ nữ dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền) (xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và dân tộc Mông (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ tháng 3/2023. 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong gần 30 năm gắn bó với công việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc mang những đặc trưng văn hóa riêng từ ngôn ngữ, phong tục cho đến ẩm thực và trang phục. Tôi đặc biệt ấn tượng việc chị em phụ nữ các dân tộc sáng tạo và gìn giữ, lưu truyền rất nhiều kỹ thuật tạo hoa văn, tô điểm cho trang phục truyền thống vô cùng đặc sắc. Từ xưa đến nay, những người phụ nữ luôn cần cù, trồng bông, trồng lanh, se sợi, dệt vải. Họ dùng đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế của mình tạo nên những bộ trang phục có tính thẩm mỹ cao, gần gũi với môi trường sống và phản ánh nhân sinh quan sâu sắc.

Sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm” không chỉ là câu chuyện văn hóa mà còn là câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ; thể hiện sự tài khéo của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như vị trí, đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng.

ba-nguyen-thi-tuyet-pld-1699637078.jpg
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ về sự kiện.

Đến với sự kiện, công chúng sẽ được giao lưu và trải nghiệm vẽ sáp ong cùng nghệ nhân dân tộc Mông và dân tộc Dao (Nhóm Dao tiền), lắng nghe những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng có của phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công chúng cũng sẽ có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp của kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống thông qua triển lãm ảnh “Sáp ong – Sắc chàm”, mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao.

Sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm” là một trong những hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện với thông điệp lan toả giá trị văn hoá, tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân tộc.

Sự kiện diễn ra từ 15h ngày 10/11 và tiếp tục tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm đến hết ngày 11/11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hạ Anh