Chị miêu tả thế nào về sự nghiệp của mình và hành trình phát triển đến vị trí hiện nay tại doanh nghiệp?
Trong lĩnh vực công nghệ, tôi là người ngoại đạo. Hồi còn học phổ thông, tôi học chuyên toán, nhưng khi học đại học, tôi lại chọn ngành Xã hội học, khi ra trường thì nghề báo lại chọn tôi. Tôi bắt đầu tiếp cận với ngành viễn thông từ năm 2001. Khi đó tôi là cộng tác viên đặc biệt của Báo Bưu điện Việt Nam (trực thuộc Tổng cục Bưu điện, tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Lúc đó, điện thoại hay Internet vẫn còn là dịch vụ xa xỉ, chỉ có người giàu ở thành phố mới có điện thoại cố định nhà riêng, người giàu mới có điện thoại di động. Tôi còn nhớ, khi mới đi làm lương của tôi chỉ 300.000 đồng/tháng, nhưng để lắp một điện thoại cố định tại nhà riêng, hay để sở hữu 1 điện thoại di động thì phải bỏ ra ít nhất là 3 triệu đồng, bằng gần 1 năm lương.
Tôi vào ngành Bưu điện đúng vào giai đoạn thị trường viễn thông đang từng bước mở cửa. Tổng cục Bưu điện vào thời điểm đó đang quyết liệt thực hiện những bước đột phá khẩu để xóa bỏ thế độc quyền bằng việc xây dựng những chính sách mới, định hướng mở cửa thị trường cạnh tranh và cấp phép thêm cho một vài công ty viễn thông khác.
Học ngành Xã hội học, đi làm lại viết về công nghệ viễn thông nên ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Phải tự tìm tài liệu, đọc nhiều, nghiên cứu nhiều các văn bản tư liệu về ngành viễn thông, tìm hiểu các chính sách, thị trường viễn thông quốc tế. Ngày đó chưa có Internet, hàng ngày tôi tới tòa soạn rất sớm để đọc báo mới, cập nhất tin tức. Tôi phải lần mò học viết từng mẩu tin nhỏ để rèn luyện kỹ năng viết báo. Ngày đấy chưa có báo điện tử, chỉ có báo giấy và truyền hình. Bài viết đầu tiên của tôi được đăng trang nhất viết về Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, một hành lang pháp lý có tính đột phá tạo tiền đề cho mở cửa thị trường viễn thông sau này. Bài báo đầu tay này tôi vẫn giữ tới tận bây giờ.
Làm báo về ngành viễn thông, tôi may mắn được tiếp xúc với đại diện của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như: Qualcomm, Microsoft, Intel, Motorola, Ericsion, Nokia, Huawei, ZTE, Facebook, Google… Việc tham gia thường xuyên các sự kiện tầm cỡ quốc tế do các tập đoàn này tổ chức đã giúp tôi bồi đắp thêm kiến thức về công nghệ rất nhiều.
Khi Internet bùng nổ, ngành viễn thông dần chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số, tôi vẫn bám trụ với nghề viết về công nghệ, vẫn ngày đêm say mê “nghịch chữ”. 20 năm viết báo về ICT, số lượng bài viết có khi phải lên tới hàng chục nghìn bài. Khi rời cơ quan báo chí sang làm truyền thông cho doanh nghiệp, tôi vẫn chọn lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, truyền thông về nội dung số, vì đây chính là thế mạnh, là sở trường và là lĩnh vực mà tôi yêu thích nhất.
Theo chị, phụ nữ có những ưu thế gì so với nam giới trong mảng ICT?
Nhà báo nữ viết về mảng ICT trước đây rất hiếm và bây giờ cũng vậy. Vì phần lớn các nhà báo không học ngành kỹ thuật, nên nhiều nhà báo cảm thấy áp lực và họ ít chọn viết về lĩnh vực ICT, bởi nó quá khô khan và kén độc giả. Viết báo tức là phải biết chắt lọc thông tin, kể lại những câu chuyện mà mình nghe được, thu thập được, nên việc phải diễn đạt được, phân tích được, kể những câu chuyện của công nghệ cho người đọc đại chúng có thể hiểu được, cảm thấy thú vị là điều khá là thách thức trong lĩnh vực công nghệ.
Theo tôi, nữ tham gia trong lĩnh vực ICT có lợi thế hơn nam giới ở điểm chị em phụ nữ thường có tính tập trung cao, kỹ tính và chi tiết hơn. Trong giới báo chí thì phụ nữ cũng quản trị thời gian của mình tốt hơn nam giới và họ chịu được áp lực công việc tốt hơn nam.
Bí quyết nào giúp chị có thể cùng doanh nghiệp của mình vươn lên trong môi trường công nghệ đang thay đổi từng ngày như hiện nay?
Ở Sconnect, chúng tôi hay chia sẻ với nhau câu nói: “Đôi khi sự lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong quá trình phát triển luôn phải đứng trước sự lựa chọn. Khi chúng ta xác định và lựa chọn đúng định hướng, đúng thị trường, đúng sản phẩm và chọn đúng nhân sự để cùng đồng hành thì chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu.
Bên cạnh đó, trên hành trình phát triển, không phải lúc nào chúng ta cũng lựa chọn đúng hướng đi, khi phải đứng trước những khó khăn, cần phải ra những quyết định có tính sống còn thì chúng tôi luôn lựa chọn kiên định với tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Tầm nhìn, sứ mệnh sẽ luôn làm mục tiêu dẫn hướng chúng ta sớm về đích, và khi đạt được mục tiêu rồi lại tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn nữa.
“Để được công nhận và nhìn nhận đúng khả năng trong công việc, phụ nữ luôn phải nỗ lực hơn gấp đôi so với các đồng nghiệp nam giới”, chị nghĩ thế nào về quan điểm này?
Tôi không nghĩ như vậy. Ở trong ngành kinh tế truyền thống, nam giới có lợi thế hơn nữ giới về sức khỏe. Nhưng đối với ngành ICT tôi thấy phụ nữ có thể làm việc không thua kém nam giới, thậm chí nữ giới còn có những tố chất vượt trội hơn.
Nữ giới có lợi thế về ngoại ngữ, về tính cần cù, chăm chỉ học hỏi những cái mới, khả năng chịu được áp lực, kể cả những “áp lực vô hình” tốt hơn nam giới. Những tố chất này rất phù hợp với tính chất của ngành ICT, vì ngành ICT có đặc thù là thay đổi rất nhanh, phát triển không ngừng. Do đó, đòi hỏi con người làm trong ngành này phải có sự thích nghi với những thay đổi rất nhanh, chịu được những biến động do đặc thù của ngành mang lại.
Ở khả năng chịu áp lực do sự tăng tốc không ngừng của công nghệ thì tôi tin là nữ giới có thể “đánh bật” được nam giới.
Chị đánh giá sao về tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nghiệp của nữ giới trong lĩnh vực ICT hiện nay tại VN?
Thế giới ngày càng phẳng hơn, công nghệ số ngày càng phát triển và len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Và điều này mở ra những cơ hội cho nữ giới tham gia sâu hơn vào ngành ICT, thậm chí các bạn có thể dễ dàng trở thành công dân toàn cầu nếu như bạn chọn ngành ICT.
Các bạn nữ hoàn toàn thích hợp để làm các nghề như: tester, quản trị database, lập trình viên, phát triển web app, nhà phát triển game, pentest, an ninh mạng…
Bạn nữ nào không đam mê với các công việc trên thì có thể chọn các công việc dựa trên nền tảng CNTT nhưng có tính sáng tạo cao hơn như: sáng tạo nội dung, thiết kế đồ họa, bán hàng online, digital marketing, content marketing…
Mọi hành trình đều có thất bại và thành công. Nhìn lại sự nghiệp của mình đến thời điểm này, đâu sẽ là những điều quan trọng nhất chị đã đúc rút được trên chặng đường để chia sẻ với thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ giới đang tham gia vào lĩnh vực ICT?
Với tôi điều quan trọng nhất để tôi có thể thành công như ngày hôm nay đó là tôi rất yêu công việc của mình. Dù nghề báo đã chọn tôi nhưng tôi luôn dấn thân với nghề. Dù làm gì, ở đâu mình cũng phải yêu, phải say mê, phải cống hiến; giống như trồng cây thì phải tốn mồ hôi, công sức chăm bón rồi mới có quả ngọt.
Điều quan trọng nữa là tôi luôn sẵn sàng với sự thay đổi. Trong cuộc sống ai cũng cần phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nhưng với lĩnh vực ICT thì sự thích nghi này đòi hỏi cao hơn nhiều lần. Công nghệ thay đổi không ngừng, theo ngày, theo giờ… chứ không phải theo tháng, theo năm nữa. Nên nếu chúng ta chậm thay đổi, cứ sống mãi với tư duy cũ, cách làm cũ, ảo tưởng với những vinh quang của quá khứ, không tự cập nhật công nghệ, không tự học hỏi thì sớm muộn gì cũng bị tụt lại phía sau.
Thêm vào đó, tôi luôn đề cao sự chính trực trong công việc. Dù đã trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng với tôi mỗi nơi tôi từng làm việc thì tôi đều coi đó là nhà, các đồng nghiệp của tôi là chị em thân hữu, dù mình có rời đi thì đó vẫn là nơi mình yêu thương, trân trọng và hết lòng bảo vệ, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn.