Phát triển điện khí LNG - xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng

Hạ Anh

23/11/2023 06:41

Phát triển điện khí được đánh giá là phù hợp xu thế phát triển, vừa góp phần đa dạng nguồn cung, đảm bảo điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường và là nguồn dự phòng quan trọng khi tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, phát triển điện khí cũng gặp không ít thách thức cần sớm được tháo gỡ để hiện thực hoá các dự án Điện khí tại Quy hoạch điện VIII.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại “Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” được tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.

thi-truong-khi-viet-nam-pld-1700678804.jpg
  Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề “Phát triển điện khí LNG - xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết: “Cam kết của Việt Nam tại COP26 được thể hiện thông qua Quy hoạch điện VIII, việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2045, trong đó có điện khí. Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG.”

Theo Quy hoạch điện VIII, khối lượng hydro cần thiết để thay thế nguồn LNG nhập khẩu đến năm 2035 khoảng 0,7-1,4 triệu tấn, năm 2045 khoảng 9,5-11,3 triệu tấn, năm 2050 khoảng 16-17,4 triệu tấn. Ước tính sơ bộ cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước đảm bảo sản xuất đủ hydro xanh cho sản xuất điện.

Hiện Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

ong-bui-quoc-hung-pld-1700678802.jpeg
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc, gây lo lắng, bất an cho các doanh nghiệp là các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa được thống nhất, hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là các cơ chế để đưa được nguồn LNG ra thị trường, cung cấp cho các nhà máy điện; đàm phán giá, cước phí, hợp đồng mua bán điện;…

Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các Nhà máy điện khí LNG thì việc cam kết tổng sản lượng mua điện hàng năm (Qc) và bao tiêu sản lượng khí hằng năm cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Bởi việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án cũng như mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu LNG biến động thất thường và thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, khó khăn vướng mắc chính ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án LNG vẫn là việc đàm phán giá điện và bao tiêu sản lượng hằng năm. Nếu “vướng mắc” này không được tháo gỡ kịp thời, kế hoạch phát triển điện khí LNG sẽ rất khó thực hiện. Nếu không đàm phán được hợp đồng mua bán điện (PPA) sớm thì sẽ rất khó khăn trong việc triển khai dự án LNG theo đúng kế hoạch được giao.

“Trạng thái này tiếp tục tiếp diễn thì trọng trách “mũi nhọn của nền kinh tế” và đảm bảo an ninh năng lượng... sẽ đặt trong tình trạng đáng lo. Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.” – ông Long chia sẻ.

pgsts-ngo-tri-long-pld-1700678803.jpg
PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính.

Theo Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước, trong đó, chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần tổng công suất kho chứa đạt khoảng 15-18 triệu tấn LNG. Trong khi, hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm.

Điều này cho thấy, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, mà còn cấp thiết bù đắp nguồn khí cho các nhà máy điện khí hiện hữu có nguy cơ bị thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai, khi các mỏ khí khai thác trong nước đang suy giảm nhanh qua từng năm.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính cho rằng, trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.

Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Thứ ba, về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ.

pgsts-dinh-trong-thinh-pld-1700678803.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính.

Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính.

Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện... Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

Hạ Anh