Đây là sự kiện do Sở Công thương Hà Nội tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực của thành phố phát triển khoa học công nghệ, tiếp cận các đề tài, kết quả nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội để ứng dụng vào sản xuất.
Hội nghị năm nay có hơn 50 khách mời đến từ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, các nhà khoa học tới từ các Viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố như Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu điện tử tin học tự động hóa...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết Hà Nội luôn xác định việc phát triển công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế của Thủ đô. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, cụ thể hóa các chương trình, Đề án phát triển công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng trên địa bàn.
Đến nay, Hà Nội hiện có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thắng con số này còn rất khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng về khoa học công nghệ của Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội đang định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn, công nghiệp chip... nên nhu cầu ứng dụng công nghệ mới, đề tài nghiên cứu càng có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, Sở Công thương Hà Nội rất mong muốn các doanh nghiệp cùng các trường, viện nghiên cứu chung tay vào sự phát triển chung.
Tại Hội nghị năm nay, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày, trao đổi nhiều đề tài quan trọng như câu chuyện chuyển đổi số trong doanh nghiệp truyền thống, các giải pháp về nhà máy thông minh, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp -Trường Đại học Ngoại thương và cũng là chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ câu chuyện thực tế về quá trình chuyển đổi số hiệu quả và dần tự làm chủ công nghệ tại công ty Rạng Đông. Từ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình đó, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu rất cần phải “mở lòng” với nhau.
Cụ thể, các doanh nghiệp nên có các hub để thu hút và tiếp nhận tri thức, đồng thời, đặt ra các bài toán, yêu cầu thực tế cho các trường, viện nghiên cứu. Ngược lại, các nhà khoa học cũng cần bước ra khỏi “tháp ngà” học thuật để hướng tới doanh nghiệp, cùng chuyển hoá tri thức vào thực tế.
Các khách mời khác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, cho rằng chuyển đổi số đang tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp. Trong đó, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp, gồm cả phần cứng và phần mềm, đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng như trong dài hạn.
Ngoài các tham luận trình bày trực tiếp tại hội nghị, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết đã nhận được gần 150 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Những đề tài, công trình nghiên cứu này là nguồn tài nguyên quan trọng để các doanh nghiệp đặt hàng, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào hoạt động thực tế.