Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi tiền gửi ngân hàng và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước; Nguồn vốn vay; Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Do đó khi hình thành các cơ sở đầu tư cho giáo dục cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Qua hình thức đấu thầu, được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ và thông qua những hình thức đầu tư này, luôn có các doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị về giáo dục tham gia.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế về hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục chúng tôi đã nhận được những phản ánh đa chiều xung công tác đấu thầu của đơn vị này với nhiều nghi vấn về tính minh bạch khi đơn vị này trúng hàng loạt gói thầu có giá trị lớn thuộc vốn ngân sách Nhà nước với giá thiết bị cao hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Liên tục trúng thầu sát giá?
Theo kết quả phần tích dữ liệu của phần mềm Đấu thầu Quốc gia cho thấy, Công ty K.B đã tham gia 120 gói thầu, trong đó trúng 88 gói, tượt 25 gói, 5 chưa có kết quả, 2 gói đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu: 1.007.358.025.760 VNĐ (trong đó 87.550.000 VNĐ là các gói chỉ định thầu; 169.806.209.000 VNĐ là các gói thầu có KQLCNT nhưng không có TBMT). Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán: 95,54% (Chỉ tính dựa trên các gói có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu).
Tính riêng giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 03/2022, Công ty K.B đã trúng 29 gói thầu; trong đó, có 23 gói thầu với vai trò độc lập. Nhiều gói thầu trúng thầu sát giá dự toán do chủ đầu tư đưa ra; tỷ lệ tiết kiệm ngân sách Nhà nước đều rất thấp.
Điển hình như: kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu: “Mua sắm, lắp đặt thiết bị” thuộc Tổng dự toán “Mua sắm và lắp đặt thiết bị giáo dục. Công ty K.B là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 4.830.960.000 đồng, giá dự toán 4.841.376.000 đồng. tỷ lệ tiết kiệm ngân sách Nhà nước là 0,2%.
Hay như kết quả đầu thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị cấp cho các trường học thuộc các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2020 có giá trúng thầu 27.164.077.900 đồng, giá dự toán 27.164.077.900 đồng, tỷ lệ tiết kiệm từ gói thầu này là 0,7%..
Một loạt gói thầu khác cũng có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, như: Gói thầu số 7 tỷ lệ tiết kiệm chỉ 0,4%; gói thầu số 13 có giá 8.283.385.000 đồng, giá trúng thầu độc lập với giá 8.193.030.000 đồng, thấp hơn giá gói thầu khoảng 90.000.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ 1%.
Nghi vấn “nâng” giá thiết bị...
Cụ thể, tại gói thầu TB01, được mời thầu vào tháng 6/2021 về cung cấp, lắp đặt thiết bị phòng học thông minh thuộc dự án “Tăng cường năng lực cơ sở vật chất và trang thiết bị phòng học thông minh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, gói thầu này có giá 19.677.480.000 đồng, yêu cầu mua sắm cho danh mục gồm 11 loại hàng hóa.
Gần 2 tháng sau, ngày 02/08/2021, có kết quả phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu TB01, với giá trúng thầu là 19.442.192.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ khoảng 1,2%.
Tại hạng mục số 11 là sản phẩm Bộ thu micro không dây MW1-RXF5 với các thông số kỹ thuật như: Nguồn điện: 12V~18V, 500mA, Tín hiệu điều chế: FM, Tần số lựa chọn: PLL,Dải tần số: 722Hz~746MHz, Tần số ổn định: ± 0.005%,Tỉ lệ S/N: >100dB, Anten: X2, Kết nối: BNC,… Trung bình giá trên thị trường thời điểm đó khoảng 5.830.000 đồng/chiếc, với tổng số lượng 54 chiếc thì tổng giá ước tính khoảng 314.820.000 đồng.
Như vậy, mới chỉ điểm qua một vài thiết bị ngẫu nhiên trong gói thầu nêu trên cũng cho thấy sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá duyệt mua so với sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật xuất xứ được rao bán trên thị trường tại cùng thời điểm.
Đấu thầu tiết kiệm thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thâm hụt ngân sách nhà nước
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ.
Nêu quan điểm về thực trạng đấu thầu ở nước ta hiện nay, Luật sư Bùi Hải Yến - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định: Hiện tượng có quá nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, một số gói thầu có tỉ lệ suýt soát bằng “0” hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu”.
Việc đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách Nhà nước. Hiện nay quy trình lựa chọn nhà thầu, thẩm định kết quả được quy định chi tiết trong Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, tuy nhiên bên mời thầu có thực hiện đúng theo những quy định đó hay không sẽ tác động đến kết quả đấu thầu.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, luật sư Hải Yến phân tích: Chẳng hạn, quy trình công khai gói thầu, mời gọi nhà thầu không rõ ràng, minh bạch, không công khai, không được tiếp cận rộng rãi. Chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không rõ ràng những nội dung gói thầu, khiến các nhà thầu khó tiếp cận, trong khi đó một số nhà thầu “quen” lại nắm đầy đủ những thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu.
Hoặc do quá trình lựa chọn nhà thầu không có sự cạnh tranh, vì số lượng nhà thầu ít, đôi khi chỉ có 01 nhà thầu/gói thầu. Hoặc trong quá trình đấu thầu thì các nhà thầu liên thông với nhau, xuất hiện hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ”, khiến cho việc đấu thầu công khai mất tính cạnh tranh vốn có.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu hiện nay chưa đáp ứng năng lực và kinh nghiệm, không đảm bảo điều kiện để trúng thầu.
Cũng có thể kể đến, có hiện tượng nâng khống giá trang thiết bị trong các gói thầu so với thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, có dấu hiệu trục lợi và vi phạm pháp luật hình sự.
Thời gian gần đây, vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách được đặt ra để tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công cho Việt Nam. Do đó với tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp (từ 0% đến 0,016%), về cơ bản cho thấy không góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.